Chính sách thay đổi liên tục, người lao động bất an
Liên quan vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhìn nhận “làn sóng” rút BHXH một lần đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị sửa luật BHXH. “Có nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất vẫn là sự bất an của người lao động (NLĐ) đối với sự ổn định của chính sách BHXH. Công nhân lo sợ các chính sách mới sẽ hạn chế quyền tự quyết, chủ động và mức lương hưu mà họ sẽ được hưởng sẽ không đủ sống”, ĐB Thúy nêu và đề nghị có giải pháp xử lý.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nguyên nhân chính dẫn đến rút BHXH một lần là do đời sống thu nhập khó khăn, nhất là công nhân LĐ khu vực phía nam. Bên cạnh đó, theo ông Dung, chính sách rút BHXH một lần tại VN quá dễ dàng, quyền lợi được hưởng khi rút lại rất cao, đóng 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của nhà nước, doanh nghiệp. “Không có một quốc gia nào mà có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như VN”, ông Dung nói và cho biết đã mời chuyên gia của Liên Hiệp Quốc sang “tính kế” để khắc phục tình trạng này và chuyên gia nói rằng “VN hào phóng quá”. “Đương nhiên bây giờ chữa là khó”, ông Dung nói thêm.
Tuy nhiên, ông Dung thừa nhận tình trạng rút BHXH có nguyên nhân từ việc tuyên truyền, vận động chưa tốt, nhất là “hiệu ứng ngược” từ thông tin sửa luật BHXH tại các tỉnh phía nam. “Tinh thần sửa luật kỳ này theo hướng không hạn chế quyền lợi của NLĐ. Còn cách xử lý như thế nào thì kỳ họp tới Quốc hội (QH) sẽ bàn các phương án khác nhau để xử lý rút BHXH một lần hiệu quả nhất”, ông Dung khẳng định.
Ba hướng giải quyết vụ việc hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH trái luật
Hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH trái luật, xử lý ra sao?
Việc thu sai này diễn ra suốt từ năm 2003 – 2016, đã phát hiện và chấn chỉnh cơ quan BHXH. Về cơ bản đã được giải quyết. Bộ LĐ-TB-XH vừa kết thúc 8 đoàn kiểm tra và cùng với Ban Kinh tế T.Ư đang tổng kết để chuẩn bị việc sửa luật BHXH. Đây là vấn đề chưa được quy định trong luật BHXH, do đó cần phải đánh giá một cách rất cụ thể. Phải đặt lợi ích của NLĐ, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định. Nếu QH cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang diện BHXH bắt buộc, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Trường hợp xấu nhất, cả NLĐ lẫn cơ quan BHXH không đồng ý thì thoái thu, trả lại quyền lợi cho NLĐ, tính lãi bằng mức mà Quỹ BHXH đang sử dụng để tăng trưởng.
(Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung)
BHXH 54 tỉnh thu của 4.240 hộ kinh doanh từ năm 2003 – 2016 thì dừng lại, nhưng một số hộ vẫn nộp tiếp đến năm 2020 mới dừng hẳn. Về mặt bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng vướng quy định pháp luật do không có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nên về bản chất là thu sai đối tượng. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ LĐ-TB-XH sửa luật BHXH tới đây thì cho phép đối với những chủ hộ kinh doanh thì được tham gia BHXH bắt buộc, vì chủ hộ cũng vừa là NLĐ và vừa là người có thu nhập.
(Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc)
Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh chính phương án thay đổi chính sách khi sửa luật BHXH khiến NLĐ không an tâm. “Bộ trưởng nói sửa luật theo hướng tăng quyền lợi và không hạn chế các quyền của NLĐ. Xin hỏi sẽ tăng quyền lợi gì để NLĐ an tâm hơn và suy nghĩ lại đối với các quyết định của mình?”, ĐB Thúy nêu.
Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất để hạn chế rút BHXH một lần là phải cải thiện được đời sống, thu nhập của NLĐ. Đối với việc sửa luật BHXH, ông Dung cho biết “chắc chắn phải tính một cách tổng thể các chính sách liên quan BHXH”. Trong đó, đặc biệt là tính toán giảm thời gian đóng BHXH xuống dưới 15 năm và có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế. Đối với rút BHXH một lần, ông Dung nói cơ quan chức năng đã bàn nhiều, đưa ra nhiều phương án song rút như thế nào, mức độ rút ra sao… sẽ được QH quyết định khi sửa luật BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đã mời chuyên gia Liên Hiệp Quốc tính kế khắc phục rút BHXH một lần
Làm sao thoát khỏi “vùng trũng” năng suất?
ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) và nhiều ĐBQH khác bày tỏ băn khoăn việc người VN rất thông minh và chịu khó, nhưng làm sao để năng suất LĐ tăng và thoát khỏi “vùng trũng” khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới.
Đang nghiên cứu luật Dân tộc
Chiều 6.6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn liên quan các vấn đề dân tộc miền núi. ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần sớm nghiên cứu ban hành luật hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ông Hầu A Lềnh cho biết từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã trình đề nghị xây dựng luật Dân tộc. Tuy nhiên, lĩnh vực dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực nên để đảm bảo xây dựng luật phù hợp, thống nhất, không chồng chéo luật khác thì cần thời gian nghiên cứu, chưa trình được.
ĐB Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) hỏi việc triển khai nghị quyết của QH về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, theo nghị quyết được QH phê duyệt, đến nay Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH để bố trí đủ vốn là 104.000 tỉ đồng cho giai đoạn từ nay đến 2025, đó là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn một số nguồn vốn khác như vốn tín dụng 19.700 tỉ đồng, vốn địa phương đối ứng trên 10.000 tỉ đồng; huy động vốn ngoài ngân sách khoảng hơn 2.000 tỉ đồng từ nguồn ODA và khuyến khích một số nguồn vốn xã hội khác…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năng suất LĐ VN thấp có nhiều nguyên nhân, như yếu tố công nghệ và kỹ năng, trình độ của NLĐ. “Nhưng tôi không đồng tình việc nói năng suất LĐ VN thấp hơn một số nước cạnh chúng ta như Campuchia”, ông Dung nói và lý giải, có nhiều yếu tố khiến năng suất thấp như LĐ phân bổ ở khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thấp. Quy mô LĐ lớn, một việc lẽ ra 1 người làm nhưng san sẻ ra 2 – 4 người làm.
Bộ trưởng trả lời câu hỏi khó: Người Việt Nam thông minh, chịu khó nhưng làm sao thoát “vùng trũng”?
ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nêu, VN đang bước vào thời kỳ dân số vàng và đã đi được một chặng đường dài. Theo bà Tâm, nhiều quốc gia trên thế giới đã bứt phá, phát triển nhanh nhờ tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia bỏ lỡ, chìm sâu trong bẫy thu nhập trung bình. Việc biến cơ hội dân số vàng thành hiện thực là một thách thức trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhân lực VN.
Trình chi thêm 23.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động
Nhiều ĐB đề nghị có các giải pháp như quỹ hỗ trợ hoặc gói hỗ trợ NLĐ đang gặp khó khăn do tình trạng mất việc, giãn việc thời gian qua. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ LĐ-TB-XH đang đánh giá kỹ tình hình LĐ, việc làm để có những chính sách ngắn hạn và cả dài hạn.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Dung, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói năm 2021, Chính phủ đã chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 47.356 tỉ đồng để hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến năm 2023, số dư quỹ còn lại là 58.357 tỉ đồng. “Chúng tôi đang thiết kế trình Chính phủ và Quốc hội chi khoảng 23.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ NLĐ”, ông Phớc thông tin.
Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Dung cho biết VN là một quốc gia có dân số trẻ, tiềm năng rất lớn, song “không còn ở đỉnh cao của dân số vàng nữa”. Các nhà khoa học xã hội nói chúng ta đang chuyển từ dân số vàng sang dân số đang già. Tốc độ già hóa dân số của VN cũng thuộc loại nhanh nhất. Hiện năng lực cạnh tranh quốc gia của VN về LĐ không cao, đứng 120/180 quốc gia. Lý do chuyển đổi xã hội hóa khiến công nghệ hóa cao, 30% LĐ không thích ứng được, 40% phải chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Dung cho rằng phải khắc phục ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ đào tạo, kỹ năng chuyển đổi hệ thống… Bên cạnh đó, phải tăng cường đào tạo, chuẩn bị kịch bản cho dân số già đến chăm lo lực lượng LĐ người cao tuổi, tận dụng chất xám, kinh nghiệm, năng lực người cao tuổi; quy hoạch vùng gắn với NLĐ.
Thông tin thêm về đào tạo nghề nông thôn, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông rất mừng vì đã có chương trình đào tạo nghề nông thôn, cho thấy chúng ta đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam từ ‘dân số vàng’ sang ‘dân số đang già’