Với mức đầu tư lên tới 5.000 tỉ đồng, Cầu Phước An vượt sông Thị Vải kết nối thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã lỡ hẹn khởi công tháng 9/2022 theo kế hoạch ban đầu. Chủ đầu tư quyết tâm khởi công dự án vào ngày 18/6/2023 tới đây.
Hướng tuyến, vị trí xây dựng cầu Phước An
Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp quyết định đầu tư, Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải là chủ đầu tư.
Chiều dài cầu Phước An là 4,3km; trong đó, phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514m, còn lại là đường dẫn. Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có vận tốc 70km/h. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỉ đồng.
Theo lộ trình, công trình sẽ khởi vào tháng 9/2022 và dự kiến hoàn thành sau 5 năm thi công, kết nối thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).
Tuy nhiên đến nay dự án đang án binh bất động do còn gặp vướng mắc ở khâu GPMB. Được biết, để thực hiện dự án cần thu hồi khoảng 13ha đất. Trong đó, phía Đồng Nai là khoảng hơn 8ha tãi xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Phần còn lại phía Bà Rịa – Vũng Tàu nằm ở phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.
Tiến độ hiện tại, theo Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực Cái Mép-Thị Vải (chủ đầu tư dự án), phía Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn thành công tác GPMB nhưng còn vướng một số thủ tục chuyển đổi đất rừng. Bên cạnh đó, công tác GPMB phía tỉnh Đồng Nai chưa hoàn thành. Ngày 6/1/2023 Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra hiện trường và chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Thời gian tới, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ làm việc phía tỉnh Đồng Nai để hoàn tất các thủ tục cần thiết, phấn đấu trong quý I/2023 sẽ phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.
Phía Chủ đầu tư quyết tâm sẽ khởi công dự án cầu Phước An ở phía Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 18/6/2023. Cố gắng đảm bảo kế hoạch khởi công hạng mục phía Đồng Nai trong quý IV/2023.
Dự án cầu Phước An khi hoàn thành sẽ kết nối đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực như: Bến Lức-Long Thành và TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Từ đó, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Không chỉ có ý nghĩ về giao thông, cầu Phước An sau khi hoàn thành cũng sẽ giúp tăng giá trị của Bất động sản tại thị trường Phú Mỹ và Nhơn Trạch.