Ám ảnh bởi những dự án “đắp chiếu” cả chục năm không hẹn ngày bàn giao, nhiều người mua nhà đang có tâm lý e ngại, sợ những chung cư xây dựng hình thành trong tương lai.
Đang ở căn chung cư có diện tích hơn 50m2 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), do sinh thêm con, vợ chồng chị Nguyễn Hạnh muốn mua nhà rộng hơn, có 3 phòng ngủ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Tìm hiểu một dự án chung cư đang xây dựng cùng khu vực, chị Hạnh rất thích căn hộ 98m2. Thế nhưng, sau xem xét, chị Hạnh rút lại ý định, do lo ngại về tiến độ xây dựng của dự án.
Chị Hạnh cho hay, một người bạn đã mua căn hộ tại dự án này chia sẻ thông tin. Khách hàng đặt cọc từ cuối năm ngoái, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa ký hợp đồng mua bán. Không những thế, từ sau Tết Nguyên đán, công trình vắng bóng công nhân xây dựng, dự án “dậm chân tại chỗ”.
Do vậy, thay vì mua căn hộ tại dự án đang xây dựng này, vợ chồng chị Hạnh quyết định chuyển hướng sang chung cư đã bàn giao hơn 4 năm cùng khu vực. Bán căn chung cư đang ở được hơn 2 tỷ đồng, cộng số tiền tiết kiệm, vay mượn thêm, gia đình chị mua được căn hộ ở ngay rộng 100m2 có giá 3,6 tỷ đồng.
Lo ngại tiến độ, nhiều người sợ mua nhà ở dự án mới bắt đầu xây dựng. (Ảnh: Nguyễn Lê)
Cũng đang có nhu cầu mua căn hộ để ở, anh Quốc Dũng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo sợ mua chung cư đang xây dựng khi chính người thân trong gia đình đã mua phải dự án quá hạn bàn giao gần chục năm.
Anh Dũng cho hay, chị gái anh đã mua căn hộ chung cư tại dự án Sky Garden Towers ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), từ năm 2012. Chị anh phải vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng. Sau gần chục năm, dự án vẫn “bất động” khi xây dựng đến tầng 8. Chủ đầu tư “lặn mất tăm”.
“Dự án dự kiến bàn giao nhà vào quý III/2014 nhưng giờ vẫn chưa có nhà. Chị gái tôi cùng các khách hàng khác nhiều lần đi đòi nhà, gửi đơn thư khắp nơi. Tiền lãi và gốc vẫn phải trả ngân hàng, còn nhà thì chẳng biết đến khi nào xây tiếp. Giờ mua nhà, vợ chồng tôi chỉ đi tìm dự án mới bàn giao, hoặc đã hoàn thành được vài năm để về ở luôn, không dám chọn dự án mới đang xây”, anh Dũng chia sẻ.
Thực tế, thị trường bất động sản ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đã và đang có nhiều dự án chung cư bán nhà kiểu hình thành trong tương lai chậm tiến độ, trễ hẹn bàn giao nhà. Thậm chí, có dự án ‘đắp chiếu’ không hẹn ngày bàn giao.
Đơn cử, Hà Nội có dự án Athena Complex Pháp Vân hay dự án Sky Garden Towers ở quận Hoàng Mai; dự án dự án DLC – Complex Nguyễn Tuân hay dự án dự án Manhattan Tower (quận Thanh Xuân), dự án Hattoco 110 Trần Phú quận Hà Đông…
Trao đổi với PV, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay, thị trường bất động sản bắt đầu khó khăn từ giữa năm 2022. Từ đó bộc lộ nhiều chủ đầu tư các dự án dùng tiền đưa vào mục đích khác nên chung cư xây mới, chưa bàn giao giảm giá.
Theo ông Quang, hiện nhiều nhà đầu tư e ngại những căn hộ chung cư mới bắt đầu xây dựng. Họ quan ngại về tiến độ xây dựng, tính pháp lý, năng lực chủ đầu tư…, không mặn mà với việc đầu tư căn hộ ở thị trường sơ cấp.
Còn người mua nhà để ở có nhều lựa chọn hợp lý. Trên thị trường, nhiều sản phẩm căn hộ chung cư đã bàn giao, giá tốt, có thể ở ngay.
“Giá thấp, pháp lý đầy đủ, đã hình thành khu dân cư, các dự án này rất hấp dẫn đối với người mua để ở hơn là những chung cư đang xây”, ông Quang nói.
Ông Quang khuyến cáo, nếu người mua nào muốn mua ở dự án đang xây dựng, hình thành trong tương lai nhất định cần xem pháp lý. Dự án có giấy phép xây dựng chưa, có bảo lãnh ngân hàng hay không; đặc biệt là năng lực, uy tín của chủ đầu tư. Xem xét dự án có đầy đủ 3 yếu tố này thì mới nên quyết định xuống tiền.