Bộ GTVT đề xuất địa phương làm cơ quan chủ trì điều phối toàn bộ dự án Vành Đai 4 – vùng TP.HCM để lược bớt các khâu trung gian khi cần phản ánh kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Phương án lựa chọn Long An là cơ quan chủ trì đã được Thủ tướng “gật đầu”.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 – TP.HCM
Cần có cơ quan chủ trì điều phối
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc về dự án đường vành đai 4 TP.HCM. Hiện các địa phương đang tăng tốc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Trao đổi với Thủ tướng, đại diện TP.HCM nhận định dự án có quy mô lớn, đi qua nhiều địa phương, trong đó đoạn qua tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu khái toán kinh phí dự án trên 10.000 tỉ đồng cần thông qua Quốc hội. Do đó địa phương cho rằng cần một cơ quan chủ trì điều phối để đảm bảo đồng bộ khi triển khai. TP.HCM đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giữ vai trò chủ trì.
Phản hồi ý kiến của TP.HCM, đại diện Bộ GTVT dẫn kinh nghiệm thực hiện dự án Vành đai 4 – Hà Nội, cho thấy việc địa phương chủ trì sẽ thuận lợi hơn. Do dự án có sự tham gia đồng đều của nhiều bộ ngành khác nhau, Bộ GTVT có tham gia nhưng không nhiều.
“Nếu một địa phương là cơ quan chủ trì, khi gặp vấn đề, phản ánh lên Trung Ương thì Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng làm trưởng ban sẽ cùng các bộ xem xét giải quyết, không mất khâu trung gian”, đại diện Bộ GTVT cho hay
Bộ GTVT đề xuất tỉnh Long An sẽ là cơ quan chủ trì do đoạn tuyến dự án qua địa phương này là dài nhất. Phương án này nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Long An đang triển khai đoạn tuyến nào?
Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án Vành đai 4 – vùng TP.HCM qua Long An có đoạn tuyến dài nhất (khoảng 69 km) điểm đầu tuyến tại kênh Thầy Cai (giáp ranh giữa huyện Đức Hòa, Long An và huyện Củ Chi, TP.HCM) và điểm cuối tuyến nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM).
Long An là địa phương triển khai đoạn tuyến dài nhất thuộc dự án Vành đai 4 – TP.HCM. Ảnh minh họa
Địa phương gần đây đã có văn bản đề xuất điều chỉnh hướng tuyến của dự án qua địa phương để tránh đi qua khu vực đông dân cư. Phương án mới sẽ tăng quãng đường thi công lên 78 km (74,5 km nằm trên địa bàn tỉnh này và gần 4 km thuộc TP.HCM). Sở GTVT cho rằng tuy phải tăng khối lượng thi công thêm 5km nhưng phương án này sẽ tiết kiệm ngân sách hơn do giảm được chi phí GPMB và hạn chế ảnh hưởng đời sống người dân.
Bên cạnh đó, phương án hướng tuyến mới sẽ nhập vào tuyến đường Bình Chánh – Lương Hòa – Bình Hòa Bắc – Mỹ Quý Tây để tăng cường nối kết vùng giáp ranh TP.HCM từ huyện Bình Chánh lên đến biên giới tỉnh Long An. Sở GTVT Long An cũng đề xuất thay đổi quy mô đoạn tuyến đầu tư để phù hợp với quy hoạch đô thị của địa phương, tăng cường kết nối đồng thời giảm chi phí triển khai.
Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài ần 200km đi qua 5 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo dự toán, chi phí để triển khai giai đoạn 1 dự án này khoảng 101.561 tỉ đồng. Dự án chia thành 5 thành phần do các địa phương có đoạn tuyến đi qua chủ quản đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Giai đoạn này đầu tư 4 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên (không liên tục, bố trí đường song hành tại các vị trí đông dân cư); giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (8 làn). Ở giai đoạn hoàn chỉnh, các địa phương sẽ đầu tư hoàn chỉnh đường vành đai 4 TP.HCM theo quy hoạch.
Về kế hoạch tiến độ, các địa phương có đoạn tuyến đi qua phải hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong năm 2023 để tiến tới khởi công năm 2024, hoàn thành đưa dự án vào vận hành năm 2017.