Hà NộiCông nhân trực tiếp sản xuất kiến nghị giảm tuổi hưu vì tăng ca nhiều, sức khỏe suy giảm khi bước sang tuổi 40-45, cách tuổi nghỉ hưu hàng chục năm.
Công đoàn Hà Nội kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho một số nhóm lao động đặc thù, công nhân trực tiếp sản xuất, tăng quyền lợi để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tại buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố ngày 18/5.
Chị Ngô Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Sản xuất đồ chơi Cheewah ở KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ), nói muốn được giảm tuổi hưu bởi tuổi nghề của lao động trực tiếp sản xuất quá ngắn, chỉ khoảng 40-45 trong khi tuổi nghỉ hưu chung là 60-62 lại xa. “Công nhân sản xuất hầu hết phải tăng ca, thời gian đứng máy dài, hao tổn sức lực nên khó duy trì sức khỏe tới khi đủ tuổi hưu”, chị nói, thêm rằng người lao động chỉ làm được 15-20 năm là hết sức.
Chị Ngô Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Sản xuất đồ chơi Cheewah. Ảnh: Võ Hải
Trong khi luật hiện hành quy định đóng BHXH bắt buộc 20 năm được hưởng lương hưu 45% và đóng 35 năm mới được hưởng tối đa 75%. Với tiền lương đóng BHXH khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng, người lao động nhận lương hưu chỉ 3 triệu đồng. Cho rằng mức này rất khó xoay sở, chị Hà kiến nghị các cơ quan nghiên cứu tính lại tỷ lệ hưởng lương hưu với lao động khối sản xuất.
Ủng hộ kiến nghị trên, anh Nguyễn Đan Đích, công nhân KCN Nội Bài (Sóc Sơn) nói “nghỉ sớm thì lương hưu thấp, song sẵn sàng chờ”. 15 năm đứng xưởng sản xuất linh kiện xe máy, anh Đích chưa chán nghề bởi cho thu nhập ổn. Nhưng mấy năm này, anh thường đau cứng vai gáy, đau lưng và có dấu hiệu của thoái hóa đốt sống cổ, thấy đuối sức, hụt hơi ở tuổi 40.
“Một số nhóm nên được về hưu sớm ở tuổi 55, đặc biệt là ngành công nghiệp nặng như cơ khí”, anh Đích nói, tính toán nếu kiến nghị thành hiện thực sẽ cố đi làm vài năm, tăng thời gian đóng BHXH, rồi chuyển việc phù hợp sức khỏe để chờ lương hưu.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn lao động Hà Nội, cho rằng cần phân loại các nhóm lao động, quy định tuổi hưu ở ngưỡng 55 chẳng hạn và để họ có quyền lựa chọn về sớm hoặc tiếp tục làm việc. Công chức, viên chức, trí thức, chuyên gia có thể làm việc tới 60-62 tuổi hoặc cao hơn tùy ý muốn. Nhưng lao động trực tiếp sản xuất hầu như không thể trụ được tới 60 tuổi, kể cả là giáo viên mầm non.
Dẫn thực trạng nhiều doanh nghiệp dệt may, giày da, cơ khí, lắp ráp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng, công nhân đến độ tuổi nhất định không thể làm việc được nữa, ông Dưỡng nói: “Quy định về thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng nhìn qua có vẻ khó, nhưng thực tế rất dễ. Doanh nghiệp chỉ cần lấy lý do sắp xếp lại sản xuất là có thể chấm dứt hàng nghìn hợp đồng lao động mà không trái luật”.
Tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm ba tháng với lao động nam, bốn tháng với lao động nữ áp dụng từ năm 2021 theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135. Đồ họa: Việt Chung
Nhóm công nhân 40-45 tuổi khi bị loại khỏi dây chuyện rất khó xin việc, về quê thì không còn ruộng, phải chuyển qua làm tự do, bán hàng rong, thu nhập bấp bênh. Do chờ tuổi hưu mất vài chục năm, họ chọn rút BHXH một lần. “Không phải công nhân không biết lợi hại của rút một lần, nhưng bất an khi chính sách thay đổi liên tục. Nếu được giảm tuổi nghỉ hưu, họ sẽ cân nhắc để chờ đợi”, ông Dưỡng nói.
Trả lời các kiến nghị, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, nói tuổi hưu tăng theo lộ trình mới thực thi từ đầu năm 2021, việc đề xuất giảm rất khó khăn vì cần sửa luật. Chưa kể giảm tuổi hưu trong khi tuổi thọ tăng sẽ tác động nhất định đến an sinh, trong khi xu hướng thế giới là nâng tuổi hưu.
“Tuy nhiên, kiến nghị của người lao động đều xác đáng, chúng tôi ghi nhận để tham mưu cho thành phố báo cáo với cấp có thẩm quyền, tiến tới sửa Luật Bảo hiểm xã hội”, ông nói.
Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình từ năm 2021. Mỗi năm tuổi hưu với lao động làm việc trong điều kiện bình thường tăng thêm ba tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; bốn tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Trước đó, tuổi nghỉ hưu với nam là 60, 55 với nữ.
Đối thoại công nhân với lãnh đạo các tỉnh thành, đại biểu Quốc hội diễn ra tại nhiều địa phương, từ 20/4 đến 20/5, xoay quanh các kiến nghị về chính sách hưu trí, rút BHXH một lần, tín dụng đen, nhà ở xã hội… Công đoàn cơ sở Bắc Giang đề xuất giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống còn 10 năm để lao động sớm hưởng lương hưu khi nhiều công nhân có xu hướng đóng trên 10 năm chọn rút một lần. Công nhân tại TP HCM muốn công bằng trong cách tính lương hưu giữa khối tư nhân và nhà nước.
Hồng Chiêu – Võ Hải