Bất ngờ
Trước thông tin trên, nhiều lao động trẻ sắp sang Nhật Bản rất lo lắng. T.T.H (quê Nghệ An) cho biết cuối năm 2022, anh đã nghỉ làm tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chuyển sang học tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau 5 năm làm công nhân, anh T.T.H tiết kiệm được số tiền nho nhỏ, vay mượn thêm gia đình để tham dự chương trình TTS tại Nhật Bản trong ngành sản xuất.
“Mình đang học tiếng Nhật được 2 tháng, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ sang Nhật. Tuy nhiên, thông tin Nhật Bản sẽ bãi bỏ chương trình này khiến mình mất ăn, mất ngủ. Bọn mình đã đóng tiền học tiếng Nhật, không biết đến lúc mình đi chương trình có thay đổi gì không và nếu bỏ thì sau này không biết mình có còn cơ hội để sang Nhật nữa hay không?”, T.T.H bày tỏ.
Có cùng tâm trạng, B.V.N (22 tuổi, quê Thái Nguyên), mới đậu phỏng vấn đơn hàng sang Nhật, chia sẻ: “Mình rất mong muốn được sang Nhật học tập và rèn luyện tay nghề, mình đã may mắn trúng tuyển phỏng vấn, đang làm visa và dự kiến sẽ sang Nhật trong vài tháng tới. Chương trình TTS của chúng mình 3 năm, nếu sang đó họ dừng chương trình, mình sẽ không biết phải làm thế nào”.
Thực tập sinh VN tại Nhật Bản
Không riêng gì người lao động, các doanh nghiệp phái cử lao động sang Nhật cũng khá bất ngờ trước thông tin này. Ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long, cho hay: “Nếu dừng chương trình này sẽ là thiệt thòi rất lớn với lao động VN”.
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty Esuhai, đánh giá chương trình TTS đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực VN. “Sau 3 năm học tập và làm việc tại Nhật, các lao động được trải nghiệm tay nghề, học hỏi kỹ thuật, học cách quản lý, học ngoại ngữ, rèn kỹ năng, tác phong công nghiệp được nâng cao đáng kể. Với vốn tích lũy tài chính, sau khi trở về, nhiều người tự khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, có thu nhập”, ông Lanh chia sẻ.
Theo ông Lanh, trong quý 1/2023, số lao động đăng ký đi Nhật học tập và làm việc khoảng 650 người, tăng ngang với cùng kỳ năm 2019. Người lao động không còn tâm lý e ngại về dịch bệnh song giờ lại lo lắng bởi chính sách từ phía Nhật có thể thay đổi. “Nếu phía Nhật dừng chương trình TTS để chuyển sang chương trình kỹ năng đặc định, chắc chắn yêu cầu tuyển chọn tay nghề và ngoại ngữ sẽ cao hơn. Trong ngắn hạn, nhiều lao động Việt khó có thể đáp ứng được”, ông Lanh bày tỏ.
Chưa bỏ chương trình thực tập sinh
Liên quan tới thông tin trên, ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt, Chủ tịch Hiệp hội Toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMI), cho hay: “Gần đây, có nhiều thông tin truyền thông đưa tin Nhật Bản loại bỏ chương trình TTS kỹ năng đã làm cho người lao động VN lo lắng. Tôi cảm thấy thật sự đáng tiếc cho điều này. Nhất là đối với các bạn trẻ đang nỗ lực từng ngày để theo đuổi ước mơ đến Nhật, thông tin gần đây chắc đã làm cho các bạn thất vọng”.
Ông Takebe Tsutomu khẳng định cho tới khi xây dựng được hệ thống tuyển dụng lao động mới, Nhật Bản vẫn thực hiện chương trình TTS kỹ năng nên người lao động hoàn toàn yên tâm về nguyện vọng sang nước này làm việc.
“Chúng tôi đang đề xuất và kỳ vọng vào việc thực hiện cải cách nhất quán 2 chương trình TTS kỹ năng và kỹ năng đặc định. Sau này, chương trình kỹ năng đặc định không chỉ đơn giản là giải pháp cho vấn đề thiếu lao động hiện tại mà nó cần nhất quán với chương trình TTS kỹ năng trong mục đích chung là bảo đảm nguồn lao động, đào tạo nhân sự và cống hiến quốc tế với các hoạt động cụ thể”, ông Takebe Tsutomu nói.
Cần cải thiện chế độ làm việc, tiền lương cho thực tập sinh
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động VN, cho hay hiện đề xuất vẫn đang được phía Nhật Bản thảo luận, xem xét, chưa hẳn là bãi bỏ chương trình TTS. Tuy nhiên, một số tổ chức phía Nhật Bản đề nghị duy trì chương trình TTS nhưng cần phải cải tiến chương trình tốt hơn như: chế độ phúc lợi, tiền lương được đầy đủ, đảm bảo như người lao động. Bên cạnh đó, cho phép TTS tự do chuyển đổi công việc, thay vì phải làm việc 3 năm không được chuyển đổi như quy định hiện nay.
“Chúng tôi hoan nghênh việc cải thiện chế độ làm việc, đảm bảo quyền lợi cho TTS. Trước đây, hiệp hội đã có trao đổi với Bộ Tư pháp Nhật Bản, phía bạn rất ủng hộ chương trình TTS bởi nếu làm tốt thì chương trình này thực sự cải thiện, nâng cấp kỹ năng cho người lao động. Nhật Bản luôn bày tỏ rõ quan điểm, chế độ TTS phải được đảm bảo giống như người lao động chứ không phải hình thức sử dụng lao động giá rẻ như hiện nay”, ông Diệp nói.
Bày tỏ quan điểm nên giữ lại chương trình TTS, song ông Nghiêm Quốc Hưng kiến nghị: “Tỷ giá yen và chỉ giá tiêu dùng của Nhật Bản xuống thấp khiến cho thu nhập hiện nay của TTS giảm khoảng 20 – 30% so với trước đây. Trong khi đó, thị trường Đài Loan, Đức, Úc, Hàn Quốc… ngày càng thu hút lao động bởi thu nhập cạnh tranh so với Nhật Bản. Nếu không cải thiện tiền lương, thu nhập, sẽ khó thu hút lao động sang Nhật”.
Để đảm bảo quyền lợi cho TTS, ông Lanh cho rằng các chính sách đối với TTS có thể cải thiện tốt hơn, thu nhập cao lên, các quyền lợi phúc lợi cũng sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phái cử cũng cần thương lượng với phía đối tác Nhật Bản để giảm phí cho người lao động xuống thấp nhất. Chương trình TTS nên giữ lại để có thể tạo nguồn nhân lực cho VN.
Chương trình TTS là một trong 3 chương trình được Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với phía Nhật Bản triển khai, bên cạnh chương trình lao động kỹ năng đặc định, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý VN sang làm việc tại Nhật Bản. Hơn 30 năm qua, đã có hơn 350.000 thanh niên VN tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Hiện trong 15 nước phái cử TTS sang Nhật Bản, VN là nước đứng đầu cả về số lượng TTS nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Năm 2022 có gần 68.000 TTS Việt sang Nhật Bản. Hơn 200.000 TTS VN đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số TTS nước ngoài tại Nhật Bản).