Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn là hơn 4,6 triệu người. Trong đó, hơn 4,4 triệu người đang làm việc trong các ngành kinh tế.
Số lao động được hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp năm 2022 là 146.285 người. Trong 2 tháng đầu năm 2023, 17.153 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
UBND TPHCM đánh giá, đa số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, xu hướng người lao động mong muốn được nhận đủ số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp và sẵn sàng chuyển sang khu vực phi chính thức làm việc để không tham gia bảo hiểm xã hội cũng như được hưởng đủ số tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Do tác động của tình hình chính trị tại một số nước và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có các đối tác, khách hàng ở nước ngoài. Do vậy, tình hình lao động trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này.
Kết nối việc làm cho người lao động (Ảnh: Thanh Bình).
UBND TPHCM thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, tình hình cắt giảm lao động và nhu cầu lao động để kịp thời có các giải pháp phù hợp kết nối cung – cầu lao động, ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng theo dõi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; phối hợp thông tin về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đối với các doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm việc, cắt giảm nhiều lao động do nhiều nguyên nhân để có biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Mặt khác, chủ động kết nối người lao động bị cắt giảm lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại địa phương hoặc phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã triển khai nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp qua công tác khảo sát.
Theo kết quả trả lời khảo sát của 3.795 doanh nghiệp trong tháng 3, tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý nhưng chưa đến mức bi quan.
Theo đó, về dự kiến tăng, giảm lao động trong quý 2, kết quả khảo sát cho thấy gần 72% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ, 20,95% đơn vị dự kiến tăng. Có 7,27% dự kiến giảm với nguyên nhân là thiếu đơn hàng…
Về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới, có 851/3.795 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo là lớn nhất.
Khảo sát triển vọng sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, đa phần các doanh nghiệp có nhận định lạc quan với 62,31% doanh nghiệp cho rằng sẽ “hoạt động bình thường”, 16,54% “tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm” và 9,3% “tiếp tục thiếu hụt đơn hàng” và 11,75% các nhận định khác.
Trước tình hình trên, UBND TPHCM sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục nắm bắt tình hình lao động, tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, đình công trên địa bàn.
UBND TP đề nghị các đơn vị có liên quan phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng hình thức tổ chức trực tiếp và online để kịp thời tư vấn hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu tìm việc và chuyển gửi các doanh nghiệp để phỏng vấn việc làm trực tiếp.
TPHCM cũng triển khai chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh để trao đổi thông tin, kết nối cung – cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, kịp thời có sự phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động từ các tỉnh đến đây làm việc trong một số trường hợp bất khả kháng.