Người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh có thể nhận trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến lần đầu tiên bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì xây dựng dự luật, đề xuất lao động nữ sinh con và người chồng đang đóng BHXH có vợ sinh con được hưởng chế độ này.
Trường hợp chỉ có mẹ đóng BHXH mà không may qua đời sau khi sinh thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản. Kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội tư vấn cho người dân Hà Nội về chính sách BHXH tự nguyện, tháng 5/2022. Ảnh: Hồng Chiêu
Chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam thực hiện từ năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Sau 15 năm triển khai, cả nước có gần 1,46 triệu lao động tham gia, bao phủ 3% số người trong độ tuổi lao động.
Cơ quan soạn thảo kỳ vọng bổ sung trợ cấp thai sản là bước đi đầu tiên để dần hoàn thiện chế độ cho lao động khu vực này, thu hút thêm người tham gia.
Từ năm 2018, nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng chuẩn nghèo nông thôn, khuyến khích các tỉnh thành trích thêm ngân sách hỗ trợ lao động. Từ năm 2022, tiền đóng BHXH tự nguyện tăng lên, mức thấp nhất 330.000 đồng. Hỗ trợ của nhà nước cao nhất 99.000 đồng với hộ nghèo.
BHXH tự nguyện hiện có hai chế độ thụ hưởng là hưu trí và tử tuất, không có thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp hay tai nạn lao động như BHXH bắt buộc.
Hồng Chiêu