Môi trường làm việc căng thẳng, quá tải công việc dễ khiến lao động trầm cảm, trong khi doanh nghiệp lại chưa quan tâm nhiều đến hỗ trợ tâm lý.
Tại hội thảo phòng ngừa, giảm căng thẳng tại nơi làm việc ngày 26/4, bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng khoa Tâm sinh lý, Viện Sức khỏe nghề nghiệp (Bộ Y tế) dẫn số liệu 40.000 người tự tử mỗi năm vì trầm cảm từ nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần, thuộc Bệnh viện Bạch Mai năm 2017.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, nhưng bà Hà nhấn mạnh do căng thẳng hoặc quá tải công việc ở một số ngành nghề. Ví dụ nghề kiểm soát không lưu (dẫn đường an toàn cho các chuyến bay) luôn phải tập trung cao độ trước màn hình máy tính cùng nhiều chi tiết nhỏ. Phải chịu trách nhiệm lớn về an toàn khi máy bay cất, hạ cánh là áp lực vô hình đối với họ. Ngược lại, những người được cho là công việc nhàn hạ cũng gặp căng thẳng vì sự đơn điệu, nhàm chán.
Ca làm việc của nhân viên kiểm soát không lưu thường kéo dài 12 tiếng mỗi ngày. Ảnh: Giang Huy
Bà Hà cho biết môi trường và điều kiện làm việc như thường xuyên tiếp xúc máy tính, tiếng ồn, hóa chất dễ khiến lao động mắc một số bệnh, gây rối loạn tâm thần, cáu gắt, lo âu, trầm cảm. Viện Sức khỏe nghề nghiệp sẽ đề xuất đưa một số bệnh nghề nghiệp của lái xe đường dài, công nhân vệ sinh môi trường vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm y tế thanh toán.
Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động, cho rằng sau đại dịch tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập dễ khiến nhiều người căng thẳng. Ngành nghề dễ bị stress nhất là ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa dược. Công việc càng có nhu cầu cao trong đời sống thì lao động càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh.
Giờ làm việc tiêu chuẩn là 8 tiếng mỗi ngày, nhưng nhiều công việc đặc thù phải tiêu tốn nhiều thời gian lẫn sức lực. “Nhiều người phải tăng ca, làm thêm giờ quá mức. Y, bác sĩ có thể phải làm việc tới 16 tiếng”, ông Long dẫn chứng.
Bệnh viện tận dụng hành lang để đặt giường, bố trí điều hòa, quạt gió, đảm bảo đủ điều kiện điều trị khi quá tải bệnh nhân. Ảnh: Thùy An
GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, cho rằng trong môi trường làm việc hiện đại, công nghệ, quy trình công việc liên tục thay đổi cũng khiến lao động làm việc với cường độ cao hơn, áp lực lớn hơn.
Ông phân tích ba giai đoạn người bị căng thẳng trong công việc phải đối mặt. Giai đoạn đầu kéo dài vài tuần, người lao động gặp triệu chứng lo lắng mơ hồ, dẫn tới nhịp tim lẫn nhịp thở nhanh hơn, dễ đổ mồ hôi, tăng huyết áp. Cùng lúc cơ thể bắt đầu “biểu tình” khi đau đầu, giảm tập trung, dễ cáu gắt và suy giảm trí nhớ. Giai đoạn kế tiếp khoảng một tháng, huyết áp người lao động tăng dần, dễ rối loạn chuyển hóa, thiếu tự tin và dần nhạy cảm với những lời chỉ trích.
Cuối cùng, sau vài tháng người mắc căng thẳng trong công việc sẽ kiệt sức vì hệ thống miễn dịch bắt đầu tổn thương dễ dẫn tới tiểu đường, đau khớp. Lao động giảm dần hiệu suất công việc, dễ cãi vã khi bất đồng quan điểm, hay nghỉ ốm. Giai đoạn này, người lao động cần nhập viện điều trị ngay.
Theo GS Trình, xây dựng văn hóa nơi làm việc là biện pháp cơ bản tạo môi trường không căng thẳng, đơn cử giảm tiếng ồn, có hệ thống thông gió làm giảm không khí độc hại, trồng nhiều cây xanh trong văn phòng. Lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp cũng cần có kỹ năng giao tiếp, đối thoại, xử lý tình huống để tránh gây căng thẳng cho nhân viên hoặc quan sát sớm phát hiện và dập tắt mâu thuẫn, nguy cơ gây căng thẳng trong môi trường công sở, công xưởng.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định người Việt chịu căng thẳng lớn nhưng sức chống chịu cũng lớn. Do vậy, lãnh đạo nhiều cơ quan vẫn coi nhẹ vấn đề này. Ngoài quan tâm đến chế độ, chính sách, các doanh nghiệp cần có nhiều hoạt động thể thao, giải trí để nhân viên giảm căng thẳng. Công đoàn cần tích cực thỏa thuận các chế độ lương, thưởng, cải thiện môi trường làm việc lẫn đời sống tinh thần cho người lao động.
Hồng Chiêu