Hơn 206.400 người bị treo quyền lợi bảo hiểm xã hội vì công ty phá sản, chủ bỏ trốn được giải quyết chế độ theo hướng tính thời gian thực đóng, không tính lúc bị nợ.
Báo cáo trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này đã ban hành văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết quyền lợi cho lao động bị nợ đóng với nguyên tắc “thu đến đâu ghi nhận đến đó”.
Cụ thể, người đủ điều kiện được giải quyết các chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng thì xác nhận thời gian đã đóng để lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. Số lao động này từng làm việc tại 26.670 doanh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ thông tin về giải quyết chế độ cho hơn 206.400 lao động bị nợ BHXH tại họp báo ngày 5/6. Ảnh: Hồng Chiêu
Cập nhật tiến trình giải quyết chế độ tại họp báo ngày 5/6, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết sau phân loại còn khoảng 125.000 lao động chưa được hưởng chế độ. Những người này đã chuyển sang đơn vị mới, tiếp tục tham gia BHXH nhưng chưa được ghi nhận thời gian bị nợ đóng ở công ty cũ. Số người còn lại đã được giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng trong hệ thống.
Theo ông Hào, với lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà có 20 năm thực đóng BHXH thì được hưởng lương hưu tại thời điểm đủ điều kiện. Nếu sau này khoản tiền BHXH bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc bổ sung bằng nguồn khác thì lao động được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng lương hưu.
Việc giải quyết các chế độ còn lại như BHXH một lần, ốm đau, thai sản, tử tuất thực hiện theo nguyên tắc đóng đến đâu ghi nhận đến đó, không cộng thời gian bị nợ BHXH. Nếu sau này có nguồn tài chính đóng bù cho thời gian nợ thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ điều chỉnh mức hưởng. Có hai nguồn tiền được đề xuất chi trả là trích từ Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc ngân sách nhưng cả hai đều không khả thi.
“Đây là biện pháp xử lý tình thế, nếu không sớm thực hiện thì quyền lợi lao động vẫn treo lơ lửng không biết đến bao giờ mới giải quyết được”, ông nói.
Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ cho hay tổng số nợ hiện tại là tồn tích từ năm 1995 đến nay, đều được ghi nhận trên hệ thống quản lý, có đủ thông tin doanh nghiệp nợ và lao động. Khi doanh nghiệp chậm đóng, cơ quan Bảo hiểm xã hội “đã làm hết trách nhiệm” thuộc thẩm quyền, từ đôn đốc nộp, gửi công văn thông báo, công khai trên truyền thông, thanh kiểm tra thậm chí khởi kiện.
Theo Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, việc hạ tỷ lệ nợ gần 6% tổng số phải thu năm 2016 xuống mức 2,69% vào năm ngoái là nỗ lực của ngành. Cơ quan Bảo hiểm xã hội không thể thường xuyên đến doanh nghiệp để thanh kiểm tra mà phải “đòi nợ” bằng nhiều hình thức như thư điện tử. Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH trên một tháng vẫn đang hoạt động nên lao động tới tuổi về hưu, đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết chế độ bình thường.
Công nhân Dệt 19/5 tại Hà Nam đến trước trụ sở công ty ở Hà Nội đòi lương, bảo hiểm trước Tết Nguyên đán, tháng 1/2023. Ảnh: Minh Anh
Hồi tháng 2, khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phương án xử lý quyền lợi với 206.400 người bị nợ BHXH, các chuyên gia, đại diện công đoàn lên tiếng cho rằng hướng như trên là đẩy hết khó khăn cho người lao động. Bởi lẽ, hàng tháng họ bị doanh nghiệp trừ lương để đóng BHXH; bị “treo” trợ cấp ốm đau, thai sản khi doanh nghiệp nợ tiền đóng và nay không được tính thời gian bị nợ là thiệt thòi. Nếu công bằng, phải giải quyết tất cả quyền lợi cho lao động từ lúc phát sinh. Nguồn kinh phí có thể trích từ các khoản đầu tư sinh lời của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng. So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Hồng Chiêu