Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra ngày 17/2, Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong năm 2022, tín dụng đối với bất động sản (BĐS) của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết tín dụng đối với BĐS của toàn ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao. Ảnh: VGP
Về phía VCB, lĩnh vực BĐS có định hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào BĐS phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, BĐS để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng.
Tại VCB, lĩnh vực BĐS được chia thành 4 phân khúc và đối với từng phân khúc BĐS Vietcombank đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng phân khúc khách hàng cũng như phân khúc sản phẩm trên thị trường; thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực BĐS.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tại VCB tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của VCB. Với số liệu về tăng trưởng tín dụng BĐS trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
Đối với các phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là phân khúc BĐS luôn được VCB ưu tiên cấp tín dụng nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển KTXH của các địa phương và toàn quốc. Trong năm 2022, dư nợ BĐS thuộc phân khúc này đã tăng hơn 4 lần so với 31/12/2021.
Về định hướng tín dụng, VCB định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Singapore vừa qua, VCB cũng đã tham dự cuộc gặp mặt xúc tiến đầu tư và nhận thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng trong thời gian tới.
VCB cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước, các liên doanh trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với mức lãi suất ưu đãi.
Đối với lĩnh vực BĐS khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và BĐS văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, trong thời gian qua, để hạn chế các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VCB đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: (i) Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời; (ii) Áp dụng lãi suất ưu đãi đối với với các khoản vay mới, hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hành và (ii) Cho vay mới để duy trì, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ khách hàng trong các phân khúc này vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phục hồi, phát triển.
Về định hướng tín dụng đối với tiểu ngành BĐS này, VCB định hướng cấp tín dụng có chọn lọc (tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt) và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.
Đối với BĐS đất ở, nhà ở, tại VCB hơn 90% là dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân.
Đối với khách hàng cá nhân, VCB định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch… VCB định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc BĐS đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân.
Về chất lượng cấp tín dụng của VCB đối với lĩnh vực BĐS, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS tại VCB luôn duy trì ở mức dưới 1%. Chất lượng tín dụng lĩnh vực BĐS ổn định, trong khả năng kiểm soát.