Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tại khắp các địa phương trên cả nước. Không có bất cứ trường hợp nào ngoại lệ.
Ảnh minh hoạ
Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cũng theo VARS, thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động như thu nhập không đủ sống, và bị động do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc phá sản.
Số môi giới bất động sản bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm…
Kết quả khảo sát của VARS từ các nhân viên môi giới bất động sản đang hoạt động cho thấy, lượng môi giới bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay
ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.
Tuy nhiên, một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn. 100% trong số đó mong muốn thời gian này được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để nắm vững chuyên môn, đồng thời có thêm các kỹ năng ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống.
Thông qua cuộc khảo sát cũng cho thấy, phần lớn các môi giới chuyên nghiệp, có ý thức gắn bó với nghề đều xác định cần thi chứng chỉ môi giới. Tuy nhiên, do một số lý do như địa phương chưa tổ chức thi sát hạch, đã tham gia thi nhưng chưa đạt… nên số lượng môi giới có chứng chỉ mới dừng lại ở mức khá khiêm tốn, chiếm khoảng 35% số lượng Môi giới tham gia khảo sát.
Đề xuất về giải pháp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, dựa trên việc “bắt mạch” từng doanh nghiệp, nên phân nhóm doanh nghiệp khó khăn để xử lý theo 3 trường hợp.
Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”, khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm.
Để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư. Nhằm mục đích kết nối các chủ đầu tư với các nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thực hiện
việc “mua lại” các dự án của doanh nghiệp. Sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.
Về kỹ thuật chống khủng hoảng, ông Đính khuyên các doanh nghiệp tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh, kỹ thuật duy trì hệ thống điều hành trong điều kiện cắt giảm chi phí; kỹ năng giữ các mối quan hệ với các chủ đầu tư, nguồn hàng; phát triển nguồn hàng mới, phân khúc hàng hóa mới.