Ngoài tiền lương cơ bản, mỗi ngày làm việc người lao động sẽ được cộng thêm 300%
Vừa mới nhận việc làm thêm hồi đầu tháng, Nguyễn Vũ Hiếu Thảo, sinh viên Trường ĐH Kinh tế-tài chính TP.HCM dự tính lễ 30.4 và 1.5 sắp tới sẽ vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Thảo cho biết lễ sắp tới mình sẽ đăng ký làm việc xuyên lễ để kiếm thêm thu nhập chứ không có kế hoạch về quê hay đi chơi nơi đâu.
Làm việc các ngày lễ bạn trẻ sẽ được nhận mức lương cao hơn các ngày bình thường
Thảo đang là nhân viên phục vụ tại một quán cà phê ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), thời gian làm việc tính theo ca và được hưởng lương trên 20.000 đồng/giờ, mỗi ngày làm 4 giờ. Theo Thảo, công việc này phù hợp với những sinh viên như mình vì điều kiện làm việc thoải mái, thời gian làm việc linh hoạt.
“Vào những dịp lễ, tết các quán luôn trong tình trạng thiếu nhân viên phục vụ nẹn họ tăng cường nhân lực nhiều hơn so với những ngày bình thường. Cho nên, dịp lễ 30.4 này, mình tranh thủ gác lại những chuyến đi và chuyên tâm để kiếm tiền nhiều hơn. Do mới đi làm nên mình vẫn chưa biết về mức lương sẽ được hưởng trong những ngày làm việc trong lễ ra sao”, Thảo chia sẻ. Giải đáp thắc mắc này, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động được phép nghỉ làm việc trong những ngày lễ, tết nhưng vẫn được hưởng. Trong trường hợp người lao động làm việc trong các ngày lễ mức lương sẽ được tăng cao hơn so với các ngày bình thường.
Đơn cử trong tháng 4.2023 này có 3 ngày nghỉ lễ chính là Giỗ tổ Hùng Vương (29.4), ngày Thông nhất đất nước 30.4 và ngày Quốc tế lao động 1.5. Do đó, trong trường hợp này luật sư Nhật nói rằng người lao động nếu không làm việc vẫn được trả lương một cách bình thường. Trường hợp người lao động làm việc trong những ngày lễ chính, mức lương sẽ được tính ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
“Như vậy, tiền lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày làm việc vào các ngày nghỉ lễ, tết được tính là ngoài tiền lương cơ bản, mỗi ngày làm việc người lao động sẽ được cộng thêm 300% lương”, luật sư Nhật nói.
Còn lương những ngày nghỉ bù?
Luật sư Nhật cho biết thêm, năm nay lễ giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào ngày 29.4, ngay trước nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Do ngày 29.4 lại là thứ bảy (nghỉ cuối tuần) nên theo quy định người lao động được nghỉ bù vào tuần tiếp theo, tức là ngày 2.5. Trong khi đó, ngày 30.4 trùng với ngày chủ nhật nên người lao động được nghỉ bù tiếp vào ngày 3.5.
Như vậy, dựa vào các qui định nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp. Nếu người lao động đi làm việc vào các ngày nghỉ bù này thì được tính lương tương ứng với ngày nghỉ tuần. Tức vào các ngày nghỉ bình thường hàng tuần, mức lương tính ít nhất bằng 200% so với ngày thường.
Nguời trẻ có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc trả lương đúng với luật lao động nếu làm việc trong những ngày lễ
Ngoài ra, luật sư Nhật chia sẻ thêm, theo quy định, mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng có ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật lao động thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Do đó, người lao động có thể yêu cầu các doanh nghiệp, công ty thực hiện đúng với các quy định của luật. Trong các trường hợp công ty vi phạm, không thực hiện đúng với các quy định thì dựa theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm thì có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết thì có thể bị phạt tiền từ từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đối với người sử dụng lao động là tổ chức, công ty thì mức phạt tiền sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền nêu trên.