Nếu có cầu cứu đến cơ quan chức năng, chưa chắc ông A. thu hồi được khoản tiền vốn đã chắt chiu suốt thời gian dài, như nhiều trường hợp các nạn nhân đã từng gặp phải…
Sáng 6.4, ông A. đến Phòng giao dịch Agribank chợ Trạm mang theo sổ tiết kiệm có số tiền 50 triệu đồng đến rút, đồng thời yêu cầu giao dịch viên chuyển tiền cho người nhận có số tài khoản 01410237800… mở tại An Bình Bank (TP.Hà Nội). Bằng sự nhạy cảm của mình, giao dịch viên Mai Thị Giang đã hỏi kỹ về việc chuyển tiền cho ai, thì ông A. trả lời ấp úng: “Chuyển cho người ở Hà Nội để giải quyết việc…”.
Nhận thấy có dấu hiệu khách hàng bị lừa đảo chuyển tiền, giao dịch viên Mai Thị Giang cùng các cán bộ khác trong phòng kế toán đã giải thích, phân tích rõ với khách hàng, khẳng định khách hàng bị lừa đảo. Mặt khác, giao dịch viên đề nghị ông A. liên lạc với người nhận tiền để xác thực việc chuyển tiền. Tuy nhiên, người nhận tiền đã chặn số điện thoại liên lạc. Sau khi được phân tích, ông A. mới hiểu rằng mình vừa thoát một cú lừa ngoạn mục.
Dẫn câu chuyện trên, người viết muốn nêu ra rằng, nếu giao dịch viên cứ thực hiện lệnh chuyển tiền như yêu cầu của ông A. thì vẫn không sai về mặt pháp luật và nghiệp vụ ngân hàng. Bởi thao tác chuyển tiền được sự đồng ý của “chính chủ” là ông A. Nhưng bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp và trách nhiệm của người “giữ tiền” cho ông A., chị Giang đã không đứng ngoài một cuộc giao dịch có dấu hiệu của sự lừa đảo. Sự nhanh nhạy, cảnh giác của nhân viên ngân hàng trên thật đáng khen. Nhìn rộng ra, nếu tất thảy mọi người, trong mọi lĩnh vực, nếu làm việc bằng cả trái tim, bằng sự nhạy cảm thì không chỉ giúp mình mà còn giúp được người khác, giảm bớt những tình huống éo le.