Product manager là gì?
Nguyễn Đăng Khoa – Giám đốc sản phẩm kiêm giám đốc dự án của Công ty công nghệ học viện Sẻ chia HVSC, cho biết product manager (PM) hiện nay được gọi là giám đốc sản phẩm hay người quản lý sản phẩm. Là người chịu trách nhiệm chủ chốt trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ hoặc phần mềm của doanh nghiệp. Trong ngành công nghệ thông tin thì PM có nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác nhu cầu thị trường, thiết kế, thử nghiệm và xây dựng các chiến lược hiệu quả, để quản lý và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ.
PM là vị trí quan trọng trong ngành công nghệ thông tin hiện nay, chịu trách nhiệm chính để định hình chiến lược sản phẩm, quản lý quá trình phát triển sản phẩm, quản lý quy trình kiểm tra sản phẩm, quản lý sản phẩm sau khi phát hành.
Ngày nay có nhiều bạn trẻ tìm hiểu về vị trí việc làm PM
PM còn có trách nhiệm đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến sản phẩm, định hình tính năng, đặc điểm cần có, cách phân phối, chiến lược tiếp thị sản phẩm. Họ cũng phải bảo đảm sản phẩm được phát triển đúng tiến độ, yêu cầu của khách hàng, bảo đảm giá trị kinh doanh cho doanh nghiệp. Quản lý tốt giúp doanh nghiệp tối ưu ở nhiều mặt, những yếu kém hoặc trễ tiến độ sẽ gây nhiều hệ lụy, thiệt hại cho công ty, khách hàng.
Công việc chính của PM là nghiên cứu đánh giá thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm, quản lý quá trình phát triển sản phẩm, quản lý sản phẩm sau phát hành, trao đổi với khách hàng để rõ nhu cầu, phản hồi của họ, phát triển sản phẩm mới…
Ông Khoa nói thêm PM là cầu nối giữa các bộ phận như đội kỹ thuật, thiết kế, marketing, kinh doanh để đảm bảo sản phẩm được phát triển, triển khai một cách hiệu quả. Thường ở các công ty có nhiều bộ phận, đều có người chuyên trách, thì công việc của PM thiên về chiến lược, cầu nối, chứ không nhất thiết phải kiêm nhiệm hết các công việc trên. Nhưng cũng cần có nền tảng, để dễ dàng trao đổi, mang lại những sản phẩm tốt nhất.
Ngoài ra, PM là một trong những vị trí được tuyển dụng nhiều trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khi AI, blockchain, IoT, Big data, sản phẩm số, phát triển rất nhanh, thì vị trí PM càng được nhiều công ty săn đón.
Thu nhập của product manager tương đối cao
Để trở thành PM tốt thì theo ông Khoa, gen Z cần có nhiều kỹ năng, kiến thức về công nghệ thông tin, kinh doanh, marketing, lãnh đạo, phân tích dự án, hiểu về thiết kế sản phẩm, quản lý dự án, thiết kế sản phẩm, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề sẽ là lợi thế.
“Thường phải qua nhiều giai đoạn, có thời gian trải nghiệm ở nhiều vị trí khác nhau trong công ty, hiểu về sản phẩm, đội ngũ, năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm tốt, ngoại giao tốt thì mới lên vị trí PM”, ông Khoa chia sẻ.
Thông thường có 4 bước để trở thành một PM, trong đó là học hỏi và trao dồi nền tảng kiến thức, bổ sung các chứng chỉ, bằng cấp liên quan đến PM, trao dồi kinh nghiệm thực tiễn ở các dự án lớn nhỏ, cuối cùng là tìm kiếm cơ hội việc làm ở các công ty. Tuy nhiên, gen Z có thể uyển chuyển nếu đủ năng lực và có nền tảng nhất định.
Trong khi đó, Trần Ngọc Sỹ, một PM của Công ty Wesi Technology (tại Hà Nội) từng có nhiều năm trong nghề chia sẻ để học được những kỹ năng cho vị trí này, gen Z có thể tìm kiếm các khóa học trực tuyến hay trực tiếp về product management, hoặc tham gia các sự kiện, workshop, gặp gỡ do các tổ chức hay công ty liên quan tổ chức. Bạn cũng có thể tự học qua các sách, blog, podcast hay video của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, bạn cũng nên học lập trình để có khả năng phân tích dữ liệu, suy nghĩ logic và giao tiếp tốt hơn với những nhà phát triển.
Để đạt được vị trí PM bạn trẻ cần trải qua nhiều thời gian
Theo Sỹ, làm PM không phải là một công việc dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể. Gen Z cần có niềm đam mê với sản phẩm, sự kiên nhẫn và chăm chỉ để học hỏi và thực hành. “Bạn cũng cần phải luôn lắng nghe và hiểu khách hàng, đồng thời làm việc hiệu quả với các bên liên quan. Nếu bạn có những yếu tố này, bạn sẽ có thể đạt được vị trí PM mà bạn mong muốn”, Sỹ nói.
Hiện tại, vị trí PM đang trở thành một trong những công việc được nhiều người trẻ lựa chọn bởi sự phát triển của công nghệ thông tin và thị trường sản phẩm ngày càng cạnh tranh. Nhiều người trẻ muốn đóng góp cho sự phát triển của công nghệ thông tin và tạo ra những sản phẩm có giá trị cho khách hàng. Ngoài ra, vị trí này cũng được đánh giá cao về thu nhập và cơ hội thăng tiến trong công việc.
Theo nhìn nhận cá nhân, anh Sỹ nói rằng vị trí PM đang được đánh giá cao trong nhu cầu tuyển dụng của các công ty công nghệ và sản phẩm. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu của thị trường, các công ty đang cần tìm kiếm những nhân viên có kinh nghiệm và kỹ năng trong việc quản lý sản phẩm để đưa ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo bà Lê Thị Bích Nga, Giám đốc Công ty DigiSource (dịch vụ tuyển dụng ngành công nghệ thông tin và digital marketing) PM đang trở thành một vị trí quan trọng và đáng chú ý trong xu hướng tuyển dụng hiện nay. Nó không chỉ tồn tại trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như các xông ty sản xuất, dịch vụ, bán lẻ, tài chính, y tế, và nhiều lĩnh vực khác đều có nhu cầu tuyển dụng PM để quản lý và phát triển sản phẩm của họ. Vì vậy, ngoài các công ty công nghệ thì các công ty bình thường vẫn tuyển dụng PM với số lượng lớn.
Mức lương của PM hiện tại có thể dao động rất rộng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm địa điểm làm việc, quy mô công ty, ngành nghề, kinh nghiệm và trình độ của ứng viên. Tuy nhiên, trong các công ty công nghệ, sản phẩm phần mềm và công nghệ thông tin, mức lương cho vị trí này thường khá cao.
Ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Canada và Úc, mức lương trung bình của PM có thể từ 80.000 – 120.000 USD/năm cho những người mới vào nghề và có thể vượt qua 200.000 USD mỗi năm hoặc hơn cho những người có kinh nghiệm và trình độ cao.
Tuy nhiên, ở các quốc gia và thị trường khác, mức lương có thể thấp hơn. “Ví dụ, ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, mức lương trung bình cho vị trí PM có thể từ 20.000 – 40.000 USD/năm (khoảng 47 triệu đồng – 94 triệu đồng). Ngoài lương cơ bản, các PM thường cũng nhận được các phúc lợi và gói đãi ngộ bổ sung như phần thưởng, cổ phiếu công ty, bảo hiểm và kế hoạch tiền lương phụ cấp. Mức lương cũng có thể tăng lên nhanh chóng theo sự phát triển và thành công của sản phẩm và công ty.