Samten Hills Dalat không phải cơ sở tôn giáo
Liên quan Khu du lịch văn hoá tâm linh Samten Hills Dalat (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), thời gian qua dư luận xôn xao về các nội dung cho rằng Samten Hills Dalat hoạt động không đúng quy định theo hồ sơ cấp phép doanh nghiệp đã đăng ký với tỉnh, có những hoạt động tôn giáo không đúng quy định của pháp luật; giá vé không theo mức kê khai…
Du khách tham quan khu du lịch Samten Hills Dalat.
Giải đáp thông tin liên quan, ông Lê Quang Trung- Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, dự án Samten Hills Dalat có nhiều chức năng, đa mục tiêu như trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, chăn nuôi bò sữa, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hoá tâm linh.
Dự án có phạm vi khoảng 220ha, có 10 phân khu, trong đó có 1 phân khu dành cho chức năng du lịch tâm linh rộng khoảng 6ha. Cũng theo ông Trung, các công trình văn hoá tâm linh nên có kiến trúc tôn giáo, tuỳ theo mục đích chủ đầu tư hướng tới tôn giáo nào. Trong giấy phép xây dựng được cấp có cấp phép cho công trình biểu tượng.
Ông Lê Quang Trung- Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng trả lời các câu hỏi báo chí.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng thông tin thêm, quá trình xây dựng, chủ đầu tư có một số vi phạm và đã được cơ quan chức năng xử lý, cụ thể là thi công sai thiết kế; chủ đầu tư cũng đã chấp hành việc xử lý vi phạm, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Những vi phạm này không thuộc trường hợp buộc tháo dỡ công trình như lấn chiếm đất công, lấn chiếm đất của người dân, tổ chức dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện, xây dựng vượt quy mô cho phép…
Về việc sử dụng đất, đại diện Sở TN&MT Lâm Đồng thông tin, Công ty Kim Phát được UBND tỉnh cho thuê đất thực hiện dự án gồm đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp khác, đất thương mại dịch vụ,… Sở TNMT đã có văn bản đề nghị Công ty không sử dụng đất sai mục đích, tức không sử dụng đất vào mục đích tôn giáo; hiện Sở Xây dựng chưa nhận được thông tin doanh nghiệp xây dựng nhà ở trên diện tích đất triển khai dự án.
Liên quan đến thông tin dư luận cho rằng Samten Hills Dalat là “chùa”, có phải là cơ sở tôn giáo hay không, ông Trần Hồng Quyết, Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng khẳng định: “Đây không phải là cơ sở tôn giáo, không được tổ chức sinh hoạt tôn giáo mà chỉ là điểm du lịch văn hoá tâm linh”.
Đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng trả lời câu hỏi liên quan tới Samten Hills Dalat.
Trao đổi thêm với báo chí, đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng cho hay, dự án Samten Hills Dalat từ lúc triển khai xây dựng tới nay chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; hoạt động, quản lý con người không để xảy ra phức tạp an ninh trật tự (ANTT). Vừa có có một số người nước ngoài là chuyên gia, nghệ nhân, chức sắc đến dự lễ khánh thành dự án nhưng đều đều tuân thủ quy định pháp luật, chưa phát hiện có hoạt động gì ảnh hưởng tới ANTT. Ngược lại, từ khi dự án đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao đời sống người dân.
Về vấn đề bán vé tại khu du lịch, đại diện Sở Tài chính Lâm Đồng cho biết, chủ đầu tư đã gửi kê khai giá bán vé vào cổng tham quan của Samten Hills Dalat tới đơn vị. Giá vé từ 180.000 – 250.000 đồng/vé tùy vào đối tượng. Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị chủ đầu tư bổ sung một số nội dung để xem xét, thẩm định.
Đề xuất bãi xe ngầm ở Đồi Cù khó khả thi
Vấn đề trọng tâm nữa tại buổi họp báo là thông tin Đồi Cù (Đà Lạt) đang bị “đào bới, băm nát” khi thực hiện dự án Sân golf Đồi Cù Đà Lạt, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung cho hay, dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 1993, có 2 giai đoạn gồm xây dựng sân golf và tòa nhà câu lạc bộ golf. Hiện chủ đầu tư là Công ty CP Hoàng Gia DL triển khai xây toà nhà câu lạc bộ golf.
Để thống nhất trong triển khai, ngành xây dựng thận trọng thực hiện từ năm 2016 đến năm 2022 mới đưa ra các chỉ tiêu, được các ngành xem xét kỹ lưỡng bởi vị trí xây dựng nhạy cảm. Tinh thần chung của tỉnh Lâm Đồng là không đánh đổi môi trường cho sự phát triển. Riêng các công trình ngầm hoá trong dự án đã được xem xét cụ thể về địa hình rồi mới cho phép, quy trình làm tầng hầm đảm bảo yêu cầu về mặt địa hình.
Toàn cảnh sân golf Đồi Cù Đà Lạt.
Về ý tưởng xây bãi đỗ xe ngầm, đây mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh có văn bản tiếp thu ý tưởng nhưng vì liên quan tới địa danh Đồi Cù nên tỉnh giao các sở ngành làm việc lại một cách thận trọng, đảm bảo quy định pháp luật theo tinh thần không xây dựng công trình tiếp giáp bờ hồ, không chặt cây, không có công trình nổi… với yêu cầu đó thì không thể triển khai. Tới nay doanh nghiệp cũng chưa hoàn thiện hồ sơ nộp lại cho Sở xây dựng trình UBND tỉnh.
Đồi Cù rộng hơn 62 ha, nằm cạnh thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương ở ngay TP.Đà Lạt. Hiện tại trong khuôn viên sân golf Đồi Cù. Theo mục tiêu quy hoạch, nơi đây là công viên chuyên đề.
Thông tin tổng quan về hai dự án trên, ông Ngô Văn Ninh – Chánh văn phòng UBND tỉnh, Người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận: 2 dự án án sân golf Đồi Cù và Samten Hills Dalat là những dự án phát triển tốt, tạo thêm sản phẩm du lịch cho địa phương. Cụ thể, Sân golf Đồi Cù được xây dựng từ năm 1938, điều chỉnh quy hoạch năm 1993, là sân golf đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ khi doanh nghiệp tiếp nhận năm 1991 diện tích rừng ở đây tăng lên, đến nay khoảng 30,9ha rừng. Việc xây dựng các công trình ngầm đã có trong đề án chống ùn tắc trên địa bàn Đà Lạt. Còn bãi xe ngầm mới là đề xuất của doanh nghiệp.
Ông Ngô Văn Ninh- Người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng nói về các dự án xôn xao dư luận tại địa phương thời gian qua.
Đối với Samten Hills Dalat, ông Ninh cho hay nơi đây trước đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thổ dưỡng cằn cỗi, từng thử nghiệm trồng xoan chịu hạn với diện tích hơn 160ha nhưng cũng không thành. Phía doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều, thậm chí đưa đất mới vào để trồng rừng, đầu tư nhà máy sữa, chăn nuôi bò sữa góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân.
Mới đây, đoàn kiểm tra Trung ương có vào kiểm tra dự án Samten Hills Dalat, chưa phát hiện sai phạm gì ngoài một số vi phạm xây dựng trước đó đã được doanh nghiệp chấp hành, khắc phục. Cũng theo ông Ninh, đoàn kiểm tra trung ương có lưu ý vấn đề không được sinh hoạt tôn giáo tại khu du lịch, mục đích để chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý: “Quan điểm của tỉnh là yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng mục tiêu dự án được cấp phép, không sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý”, người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng nói.
Tại hội nghị, Ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh Lâm Đồng khẳng định, tin đồn Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân phường 2, TP Bảo Lộc bể nợ, bỏ trốn khỏi địa phương trong những ngày qua là tin đồn thất thiệt. Đến thời điểm hiện nay, các hoạt động cho vay, thu nợ cũng như các hoạt động khác như gửi tiền, rút tiền của người dân trên địa bàn vẫn hoạt động bình thường. Trong 2 ngày qua, số lượng người đến quỹ tín dụng để rút tiền đã giảm. Bên cạnh đó, đến sáng nay (25/4), nhiều người đã quay lại quỹ tín dụng để gửi tiền với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng.