Lãi suất thả nổi khiến nhiều người mua nhà điêu đứng

Cuộc chiến chống lạm phát của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế và góp phần làm giảm giá nhà. Nhiều người mua phải chịu lãi suất thả nổi quá cao trong khi không thể bán được nhà để thoát khỏi nợ nần.

https://static01.nyt.com/images/2023/03/21/multimedia/21Sweden-homes-08-vzbg/21Sweden-homes-08-vzbg-superJumbo.jpg?quality=75&auto=webp

Giá nhà ở Thụy Điển đã giảm mạnh khoảng 15% từ mức cao nhất vào tháng 3 năm ngoái đến cuối năm và hầu như không thay đổi kể từ lúc đó. Xung đột tại Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và lạm phát gia tăng toàn cầu đã đẩy lãi suất lên cao, đột ngột chấm dứt tình trạng giá nhà tăng vọt ở quốc gia này diễn ra suốt thời kỳ đại dịch, khi mọi người trả giá cao hơn nhau để chuyển đến những ngôi nhà lớn hơn.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã dành phần lớn thời gian trong năm 2022 để chống lại lạm phát. Sau khi tăng mạnh lãi suất, các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đang cảnh báo rằng lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến. Giống như việc một số ngân hàng mất cảnh giác trước lãi suất tăng nhanh, các nhà kinh tế đang lo lắng thị trường nhà ở toàn cầu có thể suy thoái. Giá bất động sản ngày càng lao dốc ở Anh, Đức, Hà Lan, Canada, Úc và Hoa Kỳ.

Nhưng một số quốc gia như Thụy Điển đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn do mức nợ hộ gia đình cao kết hợp với việc sử dụng rộng rãi lãi suất cố định ngắn hạn hoặc lãi suất thả nổi đối với các khoản vay thế chấp mua nhà.

Ba phần tư các khoản vay mới ở Thụy Điển có lãi suất thả nổi hoặc cố định trong vòng chưa đầy một năm, theo dữ liệu mới nhất từ Liên đoàn Thế chấp châu Âu. Ở khu vực đồng euro, tỷ lệ này là khoảng 25%. Tình hình hoàn toàn trái ngược tại Mỹ, khi một khoản thế chấp điển hình thường áp dụng lãi suất cố định trong vòng 30 năm.

Các hộ gia đình Thụy Điển nhanh chóng cảm nhận được tác động của việc tăng lãi suất, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu để trả chi phí thế chấp cao hơn. Kể từ tháng 4/2022, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, Riksbank, đã tăng lãi suất từ 0% lên 3%. Các nhà phân tích dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các dấu hiệu lạm phát, vốn đã tăng với tốc độ 12%/năm trong tháng 2 vừa qua, đang ăn sâu vào nền kinh tế. Đồng thời, chủ nhà cũng rất khó bán được nhà trong thời gian ngắn như chưa đây, tính thanh khoản của thị trường đang trở nên ngày càng tồi tệ.

“Năm nay là một năm mất mát đối với các hộ gia đình Thụy Điển về nhiều mặt”, Annika Winsth, nhà kinh tế tại ngân hàng Nordea cho biết. Ngân hàng này đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội và tiêu dùng tư nhân tại Thụy Điển sẽ giảm 1,8% trong năm nay. Ủy ban châu Âu cho biết nền kinh tế Thụy Điển có thể sẽ là nền kinh tế duy nhất trong Liên minh châu Âu suy giảm vào năm nay.

Đợt suy giảm gần đây đã đẩy giá nhà trở lại mức trước đại dịch, sau khoảng thời gian giá tăng 20% một năm.

Georgio Hadad, một nhà môi giới, cho biết: “Đây không phải là mức giá tồi. Nhưng một khi bạn đã nếm trải mức tăng 20%, thì điều này thật tệ.”

Đã lâu lắm rồi Thụy Điển mới trải qua tình trạng suy thoái nhà đất như hiện nay, kể từ những năm 1990 khi bong bóng nhà đất vỡ và đánh sập hệ thống ngân hàng. Những cải cách nghiêm ngặt sau đó đã giúp Thụy Điển vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhưng ngay cả khi giá nhà đã giảm đến 15%, người mua nhà chưa chắc đã an toàn về tài chính. Lãi suất thả nổi cùng sự không chắc chắn của thị trường và chính sách đang khiến nhiều người mua nhà đau đầu. Hệ quả là, số lượng giao dịch giảm đi đáng kể do tâm lý thận trọng.

Maria Wallin Fredholm, một nhà kinh tế tại Swedbank, cho biết: “Không chắc lãi suất thế chấp sẽ tăng cao bao nhiêu. Cho đến khi mọi chuyện ổn định thì số lượng giao dịch sẽ ít hơn và giá bán cũng thấp hơn”.

Bà nói thêm, giá nhà có thể tiếp tục giảm trong mùa hè và Swedbank dự báo lãi suất sẽ tăng lên 3,75% vào tháng 6/2023 và giữ nguyên ở mức đó trong một thời gian.