Tôi đã từng gửi hồ sơ ý tưởng về Trục lịch sử của TP.Paris cho Tổng thống Jacques Chirac vào năm 1999, và có thư phúc đáp của Phủ tổng thống. Nhưng dù đi đâu, làm gì, trái tim tôi vẫn luôn hướng về Việt Nam và mong muốn đóng góp gì đó cho đất nước mình. Năm 2002 về Việt Nam, rồi từ năm 2003 – 2006 tôi làm chuyên gia cố vấn về quy hoạch và kiến trúc cho ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).
Tôi luôn nhìn vào yếu tố lịch sử của dân tộc để hiểu, đồng cảm và biết mình đang ở đâu. Từ cuối thế kỷ 19, chúng ta đi lên từ nền nông nghiệp, nhiều lạc hậu. Rồi thế kỷ 20, chúng ta luôn đối mặt chiến tranh và nghèo khó, buộc chúng ta luôn ở trong trạng thái sinh tồn, lo toan chuyện cơm ăn áo mặc… Đến đời sống hiện đại, chúng ta được tiếp cận, trải nghiệm nhưng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chúng ta vẫn còn lúng túng vì chỉ nắm “cái ngọn”. Tôi thương dân tộc mình cũng vì lẽ đó, và tôi tin dân tộc chúng ta luôn ý thức được rằng còn rất nhiều lĩnh vực chúng ta cần phải bắt đầu xây dựng từ cái móng.
Riêng về chuyên môn, tôi luôn tâm huyết về vấn đề phát triển đô thị. Ta thấy mấy năm qua cụm từ “đô thị thông minh” (smart city), trí tuệ nhân tạo (AI) được nói tới nhiều. Không ít người nghĩ đô thị thông minh sẽ giải quyết mọi vấn đề xã hội hiện nay. Nhưng tôi cũng muốn chúng ta nhìn lại “cái gốc” và làm rõ hơn về bản chất, cách hiểu.
Xây dựng nền móng
AI bắt đầu được nói tới trong khoảng thập niên 1940 – 1950 và trở thành lĩnh vực hàn lâm năm 1956. Với đô thị thông minh, AI được dùng nhằm kết nối các thành phần rời rạc (của nhiều lĩnh vực) lại với nhau thành hệ thống, nhằm cải thiện công tác điều tiết, điều hành và quản lý của đô thị. Trong khi đó, sự hình thành của đô thị và văn minh đô thị đã có từ thời đồ đá. Từ “nguyên thủy” đến giữa thế kỷ 20, các đô thị đều do con người quản lý và điều hành nó. Vì vậy không nên nhầm lẫn rằng đến bây giờ “đô thị” mới “thông minh”.
TP.HCM đang thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh
Theo tôi, cái gọi là “đô thị thông minh” phải được hiểu tường tận hơn, và có thể được so sánh với hệ thống máy tính, gồm phần cứng (hardware) và phần mềm (software). Dù phần cứng với bất cứ cấu hình nào, mạnh hay yếu, chúng ta đều có phần mềm (các ứng dụng) tương ứng… Nhưng điều chắc chắn là phần mềm không thể làm cho phần cứng tốt hơn. Nghĩa là các ứng dụng được đưa vào công tác điều tiết, điều hành, quản lý là phần mềm và đô thị với không gian vật lý của nó là phần cứng. Vậy phần cứng ở đây là gì? Đó là không gian đô thị. Quy hoạch đô thị cũng nhắm tới điều đó, tức phải làm thế nào để tổ chức và tạo dựng không gian sống, đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng của cư dân và cộng đồng.
Chính vì vậy, chúng ta phải nhìn logic hơn, tổng hợp và khoa học hơn khi quy hoạch đô thị thông minh, đi sát các nhu cầu, hoạt động của người dân chứ không chỉ tập trung vào AI.
Để có một nền văn minh, trước tiên phải hình thành một cộng đồng xã hội, ở Việt Nam có thể ví dụ hình ảnh làng xã. Mà muốn hình thành một tập thể, cộng đồng xã hội, đòi hỏi sự hình thành của một hệ thống giá trị và chuẩn mực nhất định có thể gắn kết những cá nhân lại với nhau. Ở đó tồn tại những quy cách ứng xử giữa con người và cộng đồng. Đây là nền tảng để hình thành một đô thị văn minh, bên cạnh đó là tổ chức không gian vật lý thông minh.
Để xây dựng đô thị văn minh đúng nghĩa, giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn, theo tôi, chúng ta cần phải phân định hai yếu tố không gian và thời gian.
Không gian ở đây gồm việc phân chia, định nghĩa và xác định công tư, chức năng, đối tượng và ai có trách nhiệm quản lý. Mỗi không gian chức năng đều đi kèm thời gian sử dụng. Với một không gian được xác định chức năng và đối tượng được quyền sử dụng, được gọi là “không gian quyền lợi”.
Ví dụ, trường hợp chạy ngược chiều trong giao thông là một hành động thiếu văn minh vì đó là hành vi xâm phạm vào không gian quyền lợi của người khác. Hành vi bát nháo này không chỉ gây phiền toái cho người khác, mà nó còn tạo ra xung đột được gọi là tai nạn giao thông.
Sự phân định hai yếu tố không gian và thời gian là nền móng cho bất cứ lĩnh vực nào. Vì nó gắn kết mật thiết và từng khoảnh khắc trong đời sống của mỗi cá nhân.
KHÔNG “ĐỊNH KIẾN” KHÔNG GIAN VỈA HÈ
Một ví dụ khác tôi có thể phân tích cụ thể là vấn đề lề đường – một đề tài nóng hiện nay trong phát triển và vận hành đô thị.
Lề đường là một trong những không gian vật lý của đô thị. Nhưng chúng ta vẫn còn lúng túng trong sử dụng và xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng “buôn bán phải có nơi, khu vực chứ không được buôn bán tràn lan”, tức phân khu chức năng trong quy hoạch. Nhưng xét đến yếu tố “thời gian” thì không hợp lý, vì đặc tính của xã hội hiện nay là chạy đua với thời gian, cái nào tiện lợi là ưu tiên.
Ý kiến khác là cần dẹp bỏ buôn bán hàng rong. Tôi tin rằng chúng ta nhận diện được mức độ phát triển kinh tế của chúng ta chưa giải quyết đủ công ăn việc làm cho lực lượng lao động. “Kinh tế lòng lề đường” vẫn là kế sinh nhai chính của một phần không nhỏ người dân, góp phần vào giải quyết an sinh xã hội. Tôi tin rằng mình phải nhìn vào tính năng động và sáng tạo trong việc tận dụng từng không gian nhỏ trong đô thị. Vì vậy, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi “không đồng ý dẹp bỏ hàng rong” là đúng đắn và hợp lý. Vấn đề chính của chúng ta là khâu tổ chức và phải nhận diện cái khó hiện nay.
Vấn đề thiếu chỗ đậu xe. Chúng ta cho người dân mua đủ các loại xe để đi lại, và cho người dân đầu tư thành lập công ty và buôn bán… Nhưng không có chỗ đậu xe thì làm sao giao dịch, buôn bán? Trong lý luận quy hoạch về giao thông đó là phương tiện, không gian chuyển động và không gian dừng. Nếu không có điểm dừng không lẽ xe phải chạy lòng vòng? Hệ quả là gây hao tốn nhiên liệu (ngân sách), ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.
Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc
Thứ hai là hiểu sai rằng “lề đường” chỉ dành cho người đi bộ. Chúng ta nên biết người đi bộ chỉ là một đối tượng sinh hoạt trong đời sống đô thị. Vậy trường hợp những tuyến đường không có lề đường thì… có “cấm” người đi bộ không? Trong khi đó cư dân đô thị có thể được xác định có 3 đối tượng chính là cư dân thường trực (cư dân sống và làm việc tại chỗ, ngoài sinh hoạt kinh tế, họ có những nhu cầu khác về văn hóa, xã hội cộng đồng); cư dân bán thường trực (những người có nhà ở nơi khác nhưng đến làm việc, hoặc ngược lại sinh sống tại chỗ nhưng hằng ngày đi làm việc ở nơi khác; những đối tượng này có nhu cầu riêng của mình) và cuối cùng là khách vãng lai (đây là những đối tượng tiếp cận khu vực với thời gian rất ngắn; hay nói cách khác là chỉ “thoáng qua”; thực tế cho thấy phần lớn người đi bộ là khách vãng lai).
Thế nên, lề đường phải là một không gian vật lý hội tụ nhiều hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống đô thị.
Vậy để có thể “giải quyết” vấn đề này đòi hỏi phải có cái nhìn đa chiều, và phải đi vào từng trường hợp cụ thể chứ không thể bằng “khẩu hiệu” và những quy định chung chung.
Tương tự việc xây nhà từ cái móng, ngôi nhà tương lai của chúng ta có vững chắc hay không, thì lệ thuộc vào nền móng mà chúng ta phải làm từ bây giờ.