Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhiều địa phương đề xuất cấm mua bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), mượn giấy tờ người khác để đóng bảo hiểm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra 8 hành vi nghiêm cấm, song không cấm mua bán sổ BHXH. Trong khi đó, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, Hưng Yên, Thái Bình, quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hiện nay khiến nhiều kẻ gian lợi dụng lôi kéo lao động mua bán sổ BHXH kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để rút khoản một lần, hưởng chênh lệch.
Lao động làm hồ sơ hưởng chế độ tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, công nhân rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần.
Tình trạng này kéo dài khiến lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp gây mất trật tự xã hội. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thái Bình thống kê giai đoạn 2020-2022 có trên 85.000 trường hợp thu gom kiểu này, trong đó có người gom đến 227 sổ BHXH.
Vì vậy cơ quan Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội một số tỉnh cho rằng việc bổ sung quy định cấm mua bán, cầm cố sổ BHXH cũng như mượn hồ sơ của người khác vào luật sẽ ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến cuối tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Dự luật có nhiều điểm mới, như đưa ra hai phương án tính lương đóng BHXH, giảm số năm đóng từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút BHXH một lần; bổ sung tầng trợ cấp với người không có lương hưu; thêm chế độ thai sản với người đóng BHXH tự nguyện…
Hồng Chiêu