Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề xuất bỏ điều kiện lao động sau nghỉ việc 12 tháng mới được rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Ngày 10/4, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, cho biết cơ quan này đã góp ý với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến.
Lao động chờ rút BHXH một lần tại TP HCM, cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Luật hiện hành quy định lao động tham gia BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục đóng BHXH thì được rút một lần. Dự luật sửa đổi giữ nguyên quy định này và bổ sung phương án cho người lao động rút 50% tổng thời gian đóng, một nửa còn lại bảo lưu trong hệ thống để đến khi về hưu sẽ được hưởng quyền lợi.
Nếu bảo lưu, người lao động có bốn lựa chọn: Tiếp tục đi làm và đóng BHXH sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; người đủ tuổi nghỉ hưu chưa đủ năm đóng BHXH được chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng hoặc tiếp tục rút BHXH một lần.
Ông Mến cho rằng chọn phương án nào thì trước sau cũng phải giải quyết khoản BHXH một lần. Điều kiện 12 tháng chờ không có tác dụng hạn chế rút, ngược lại có thể khiến lao động tìm đến tín dụng đen, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội khi xảy ra tranh chấp. Nếu chọn cách bảo lưu, lao động vẫn ở trong hệ thống an sinh và khi về hưu được hưởng chế độ.
Chung nỗi lo công nhân sa vào tín dụng đen hoặc “bán non” sổ BHXH để giải quyết khó khăn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất rút ngắn thời gian chờ rút, tối đa còn ba tháng. Theo công đoàn, lao động chọn khoản một lần để giải quyết khó khăn cấp bách. Việc đặt ra điều kiện phải chờ một năm sau nghỉ việc mới được rút không phù hợp mục đích, bản chất của BHXH một lần.
Tổng liên đoàn cũng cho rằng tổ soạn thảo nên cân nhắc việc chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng BHXH, bởi phần đông lao động nhận định chính sách gây bất lợi cho họ. Đặt trong bối cảnh tăng tuổi hưu dẫn đến tăng số năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu tối đa 75% thì điều kiện ràng buộc rút BHXH một lần có thể tạo nên cú sốc tiếp theo cho người lao động.
Thống kê giai đoạn 2016-2021, hơn 4,06 triệu người rút BHXH một lần, bình quân mỗi năm gần 700.000 lao động. Trong số này, khoảng 1,2 triệu người tiếp tục đi làm đã quay trở lại hệ thống BHXH; 30.000 người đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH được rút một lần; 20.000 người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đã tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.
77,5% lao động rút BHXH một lần có tuổi đời từ 20 đến 40, sau độ tuổi 40 chiếm 22,5%. Lý giải tình trạng ngày càng nhiều người chọn rời bỏ hệ thống an sinh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng lao động làm việc trong khu công nghiệp có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi mất việc làm, họ đối mặt với khó khăn trước mắt nên nghĩ ngay tới BHXH một lần.
Theo cơ quan quản lý, điều kiện cho rút BHXH một lần hiện khá thông thoáng. 98,8% lao động rút một lần là người ngừng đóng sau một năm, trong khi số người đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng, chọn rút một lần chiếm 0,79%. Điều này cho thấy việc khuyến khích lao động bảo lưu thời gian đóng không đạt được mục tiêu như mong muốn.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến cuối tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Dự luật có nhiều điểm mới, như đưa ra hai phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội, giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút BHXH một lần; bổ sung tầng trợ cấp với người không có lương hưu; thêm chế độ thai sản với người đóng BHXH tự nguyện.
Hồng Chiêu