Để thực hiện được việc đánh thuế trên, trước tiên TP.HCM cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện nhằm giúp việc thống kê, quản lý được chặt chẽ đảm bảo công bằng.
Hội thảo cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP.HCM với sự tham dự của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học – Ảnh: N.N.
Thông tin được nêu tại hội thảo cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP.HCM do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 7-4. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự hội thảo.
Đất đai là vấn đề xuyên suốt dự thảo nghị quyết thay nghị quyết 54
Nêu ra 5 yếu tố dẫn đến giá đất của TP tăng cao trong thời gian qua, trong đó đi sâu vào yếu tố lạm phát, TS Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – kiến nghị cần ban hành dạng thuế bất động sản.
Để thực hiện được điều đó, trước tiên TP cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện nhằm giúp thống kê, quản lý được chặt chẽ, đảm bảo công bằng.
“Hiện nay, TP đã đề xuất cho thí điểm triển khai chính sách đánh thuế nhà đất thứ hai trở lên vào thời điểm thích hợp. Vấn đề này rất phù hợp với việc điều tiết tăng giá đất bởi lạm phát và đầu cơ”, ông Tân chia sẻ.
ThS Trương Trọng Hiếu, Trường đại học Kinh tế – Luật TP.HCM, nêu ý kiến liên quan đến việc TP đề xuất tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đối với các dự án quy mô dự án nhóm B trong dự thảo nghị quyết mới thay nghị quyết 54.
Ông Hiếu cho rằng để đảm bảo tính minh bạch, chủ động hơn trong việc tiến hành thực hiện các dự án, đề xuất mở rộng ra dự án nhóm B là hợp lý. Bởi hiện nay quy trình thông qua một dự án đầu tư rất khó và tốn thời gian, sẽ gây “khó dễ” trong quá trình thu hồi, bồi thường thiệt hại cho người sử dụng đất.
Tuy nhiên, để đề xuất này thực thi hiệu quả nếu thông qua, ông Hiếu kiến nghị cần có sự điều chỉnh Luật đầu tư công, Luật đất đai.
“Trong Luật đầu tư công chỉ cho địa phương quyết định dự án nhóm A chứ chưa có nhóm B hay cả dự thảo Luật đất đai 2013 sửa đổi hiện nay cách tiếp cận cũng chỉ áp dụng cho dự án ở nhóm A”, ông Hiếu nói.
Phân tích về những giải pháp đột phá trong quản lý đất đai tại dự thảo nghị quyết mới thay nghị quyết 54, TS Trương Minh Huy Vũ – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng vấn đề đất đai và chuyển dịch cơ cấu đất đai hầu như là vấn đề xuyên suốt của dự thảo, từ trực tiếp cho đến gián tiếp.
Trong các điều khoản trực tiếp, nổi bật như việc TP xin cơ chế xử lý thu hồi đất, giao đất của các hợp đồng BT đã ký trước khi Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sửa đổi. Bởi trước đây TP thương thuyết với các nhà đầu tư trên luật cũ và ký hợp đồng BT.
Tuy nhiên, sau khi có Luật PPP mới quy định đã bỏ hợp đồng BT trong khi TP không có điều khoản chuyển tiếp. Dẫn tới TP đang vướng một loạt các dự án BT, như vành đai 2 là một minh chứng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Q.H.
Phát triển đất đai ở TP.HCM “nhanh nhưng phải bền”
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận song song với những điểm sáng thì công tác quản lý đô thị, quản lý và sử dụng đất đai tại TP.HCM còn nhiều bất cập, hạn chế.
“Đây là vấn đề phải nhìn nhận lại, cần có kiến nghị về mặt cơ chế, khung pháp lý để có các giải pháp trong quản lý. Nếu có cách tiếp cận đúng trong quản lý, phân bổ khai thác và sử dụng đất đai nó sẽ là động lực rất lớn không chỉ cho sự phát triển TP mà còn tạo ra sự ổn định xã hội”, ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết sáng nay, Bộ Tư pháp đã chủ trì thẩm định dự thảo nghị quyết mới thay nghị quyết 54 để trong tuần sau có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 cũng như xem xét chất lượng dự thảo nhằm cho phép thông qua vào kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Qua hội thảo lần này, TP sẽ cùng với các sở ngành lắng nghe những ý kiến tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học giúp TP nhận diện đúng vấn đề để phát huy nguồn lực đất đai. “Phát triển nhanh nhưng phải bền vững”, ông Mãi nhấn mạnh.