PwC Việt Nam cho rằng có yếu tố dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Novaland nhưng doanh nghiệp khẳng định “đủ nguồn vốn lưu động và có thể đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong 12 tháng tới”.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) sáng nay công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Báo cáo thể hiện doanh thu 11.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.181 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 26% và 37% so với cùng kỳ. So với báo cáo tài chính do Novaland tự lập cách đây hai tháng, doanh thu không thay đổi nhưng lợi nhuận giảm 100 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Novaland có tổng tài sản hơn 257.700 tỷ đồng và nợ phải trả hơn 213.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 56.000 tỷ đồng và 53.000 tỷ đồng.
Theo hãng kiểm toán PwC Việt Nam, báo cáo tài chính cho thấy hoạt động kinh doanh của Novaland bị ảnh hưởng đáng kể bởi thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính được ban tổng giám đốc Novaland lập ra dựa trên 6 yếu tố giả định có thể giúp tập đoàn hoạt động liên tục.
Thứ nhất, khoản tiền đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay sẽ được giải phóng. Tính đến cuối năm ngoái, tập đoàn có 5.537 tỷ đồng bị giới hạn và đến ngày lập báo cáo tài chính đã đàm phán để giải phóng được khoảng 2.500 tỷ đồng.
Thứ hai, kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ được cổ đông thông qua. Nếu thành công, công ty sẽ huy động tối thiểu 19.500 tỷ đồng từ đợt phát hành mới và 9.750 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ. Số tiền này dùng để cơ cấu nợ, trả lương nhân viên và đầu tư dự án.
Thứ ba, tái cấu trúc nợ vay và trái phiếu như dự tính. Cuối năm ngoái, Novaland có gần 65.000 tỷ đồng dư nợ vay và nợ trái phiếu. Tập đoàn mới thanh toán được 1.985 tỷ đồng. Một số chủ nợ đã đồng ý gia hạn và ban lãnh đạo “tin tưởng sẽ đạt thỏa thuận tương tự với các chủ nợ còn lại”.
Thứ tư là tái cấu cơ cấu toàn diện để giảm các tài sản sinh lợi thấp, tập trung nguồn lực phát triển và kinh doanh các dự án bất động sản mà tập đoàn có lợi thế.
Thứ năm là các biện pháp của Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục và cuối cùng là hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn – Nova Group.
Đại diện kiểm toán nhấn mạnh, việc giả định phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc nợ và các biện pháp tạo ra đủ dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh đã dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Trong công văn giải trình gửi ý kiến của kiểm toán, ông Phạm Nguyễn – người được Chủ tịch Noaland Bùi Thành Nhơn ủy quyền công bố thông tin – cho biết tập đoàn đã chia sẻ minh bạch với đơn vị kiểm toán những khó khăn hiện nay như kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, lãi suất tăng cao, kinh tế trong nước chưa hồi phục sau Covid, pháp lý dự án chậm trễ.
Novaland nhìn thấy điểm sáng từ việc Chính phủ và các bộ ngành liên tục thực hiện biện pháp hỗ trợ, ban hành chính sách để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn tài chính. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang tái cấu trúc toàn diện nhằm cải thiện tình hình tài chính và tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lỗi.
Ban tổng giám đốc Novaland tự tin “đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong 12 tháng tới”.
Phương Đông