Mưu sinh mùa nắng nóng
Do trời quá nóng, người dân chọn uống ngay tại quầy để giải khát (Ảnh Nguyễn Vy).
“Mừng lắm, nhờ mấy mùa nắng nóng như vầy nên tôi bán rất đắt hàng. Sau dịch Covid-19, lượng khách vơi bớt hơn nhưng may mắn mấy ngày này, khách đã đông dần trở lại”, chị Thảo vừa cười vừa nói.
Vừa dứt lời, chị Thảo đã phải quay vào trong trả lời tin nhắn đặt hàng của khách. Xe nước sâm của chị Thảo nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TPHCM) mà có người ở tận Bình Dương, Đồng Nai,… gọi điện đặt nước sâm.
Chồng chị từ nhà mang ra một can nước sâm đầy vừa nấu xong, đong vội vào chai để kịp đem giao. Cứ vài phút, hàng nước sâm của chị lại có khách, có người chọn đứng uống luôn tại quầy để giải nhiệt.
Không chỉ bán trực tiếp, chị Thảo còn phải liên tục kiểm tra đơn hàng qua điện thoại (Ảnh Nguyễn Vy).
Được biết, mỗi ngày chị có thể bán được khoảng 700-800 chai nước sâm, mỗi chai có giá dao động từ 12.000 đồng, đa dạng các loại như sâm lạnh, chè dưỡng nhan, mía lau,… Không chỉ bán trực tiếp, chị còn mở rộng bán online trên ứng dụng trực tuyến.
Vào các giờ cao điểm buổi trưa hoặc tối, chị cùng 2 nhân viên khác phải luân phiên bán, giao hàng mới kịp phục vụ khách. Trung bình, mỗi ngày chị có thể kiếm được 7-8 triệu đồng nhờ việc bán nước sâm mùa nắng nóng. Mỗi đơn thường là vài chai, còn đỉnh điểm, có khách đặt một đơn 80 chai.
Chị Thảo có thể bán 700-800 chai nước sâm/ngày trong mùa nắng nóng (Ảnh Nguyễn Vy).
Trước dịch Covid-19, xe nước sâm của chị có thể bán hơn 1.000 chai/ngày. Nhưng sau dịch, lượng người mua giảm một nửa. May mắn chị vẫn giữ được các mối quen.
“Xe nước sâm này do mẹ tôi truyền lại, đã tồn tại được hơn 40 năm rồi. Hiện tại nước sâm đang phải cạnh tranh với các mặt hàng khác như sinh tố, nước ép,… nên không còn được như trước. Nhưng vào mùa nắng nóng, người ta vẫn ưu tiên chọn loại nước vừa rẻ lại giải nhiệt tốt như này”, chị Thảo bộc bạch.
Theo chị Thảo, số tiền lợi nhuận từ tiệm nước giải khát đủ để gia đình trang trải cuộc sống. Tuy vậy, để có thể đứng bán cả ngày giữa trời nóng cũng không phải chuyện đơn giản. Những người không quen khi đứng bán chỉ khoảng 30 phút có thể ngất xỉu.
Người mua tấp nập tại hàng nước sâm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Ảnh Nguyễn Vy).
Huy động tối đa nhân lực
Cách đó không xa, hàng nước sâm của gia đình bà Huỳnh Tiêu Phương (65 tuổi) cũng tấp nập không kém.
Bà Bình cho hay, gia đình bà phải thuê 5 nhân viên, chia nhau ra làm các khâu từ nấu nước sâm đến đóng chai mang ra bán. Số lượng nhân viên như vậy mới đủ sức phục vụ lượng khách mua mỗi ngày, đặc biệt là trong những đợt nắng nóng.
Tại đây, nước sâm cũng được bán nhiều loại, đồng giá 12.000 đồng. “Người mua họ thích uống sâm mía lau nhất vì trời nóng chịu không nổi, loại này mới thích hợp và dễ uống”, bà Bình giải thích,
Vừa dứt lời, hai người đàn ông chạy xe máy đến kêu 2 – 3 ly nước sâm đứng uống trực tiếp tại quầy vì không chịu nổi cái nắng nóng hầm hập trên đường.
Ông Thanh Bình (56 tuổi) cho biết, ông làm nghề chạy xe ôm nên thường xuyên phải ngoài đường, dưới trời nắng. “Đi nắng dễ mất nước lắm. Đặc biệt trong những tháng nóng này, cứ cách vài tiếng là tôi phải chạy đi kiếm nước uống để giải khát vì sợ sẽ ngất xỉu giữa đường”, ông Bình chia sẻ.
Được biết, cửa hàng của bà mở từ 6h40 đến tận nửa đêm, khách đến đông nhất vào các khung giờ như 9h, 15h và 20h. Thỉnh thoảng, đến tận khuya vẫn có người đến mua để dành sáng hôm sau mang đi làm uống.
Hàng nước sâm của bà Bình đã tồn tại từ năm 1977 đến nay. Cứ vào mùa nắng nóng, bà lại thuê thêm nhân viên, nhập thêm nguyên liệu để tranh thủ bán, bù vào các tháng mưa sắp tới.
Nhiều mặt hàng khác như trái cây, chè,… cũng được ưa chuộng trong mùa nắng nóng (Ảnh Nguyễn Vy).
Không chỉ mặt hàng nước sâm, dọc trên các tuyến đường như Lê Hồng Phong (quận 5), Lý Thái Tổ (quận 10), Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức),… nhiều hàng nước dừa, trái cây cũng tấp nập người mua.
Chị Nguyên (27 tuổi) có xe nước dừa, mỗi ngày có thể bán được 200-300 trái, thu về vài triệu đồng. Lượng khách tập trung đông nhất vào buổi sáng và giữa trưa. Vì thế, cứ đến khoảng 14h, xe dừa đã vơi gần hết, vợ chồng chị phải lấy thêm dừa trong bao tải ra tiếp tế cho quầy.
“Cứ mùa nắng nóng là người ta tấp vào mua nhiều lắm, có khi không đủ hàng để bán”, chị Nguyên chia sẻ.
Cứ vài phút, xe nước dừa của chị Nguyên lại có người đến hỏi mua (Ảnh Nguyễn Vy).
Đang trên đường đi giao hàng, chị Mỹ Tiên (ngụ tại quận 10) tấp vội vào lề đường, mua nước dừa uống. Chị Tiên cho hay, mùa nắng nóng, chị luôn chuẩn bị thêm chai nước bên người mà số nước ấy vẫn không đủ.
“Trời nóng, tôi chạy xe mà thấy rát da, đau đầu. Cứ dừng đèn đỏ là tôi uống nước nên chai nước mang theo rất nhanh cạn. Nay có việc đi gấp nên thấy bên đường bán nước là tôi ghé mua”, chị Tiên nói.