Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, UBND TP.HCM vừa phê duyệt “Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án này sẽ là bước đột phá quan trọng để TP.HCM sớm lập khu công nghiệp Y- Dược tập trung đầu tiên trên cả nước.
Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ định hướng xây dựng khu công nghiệp dược bằng việc xây dựng, ban hành, cơ chế chính sách về quỹ đất, thuế, nguồn tài chính cũng như kêu gọi đầu tư; xác định các loại hình sản phẩm bao gồm dược phẩm công nghệ cao và trang thiết bị y tế, qua đó đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm được sản xuất trong khu công nghệ cao.
Từ năm 2025 – 2030, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp dược với quy mô khoảng 300 ha, từng bước đưa vào hoạt động thực tế.
Từ năm 2030 – 2045 sẽ đưa khu công nghiệp dược hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối – liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ.
Đây được xem là chủ trương mang tính đột phá của TP.HCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2045. Khu công nghiệp chuyên ngành y dược sẽ được xây dựng tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh.
Trước đó vào tháng 10/2023, Sở Y tế TP.HCM vừa gửi tờ trình UBND TP.HCM về việc kiến nghị đưa khu công nghiệp Y- Dược tại Thành phố vào danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư. Theo Sở Y tế, khu công nghiệp chuyên ngành Y – Dược sẽ đặt tại Lê Minh Xuân 2 với diện tích 338ha, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Khi thành lập khu có chức năng là trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về y dược. Đồng thời, tập trung các phân khúc kỹ thuật cao: công nghệ sinh học, các thuốc chuyên khoa đặc trị, sản phẩm thuốc công nghệ cao (thuốc điều trị ung thư, các chế phẩm huyết tương…), các sản phẩm y sinh, sản phẩm phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe.
Khu công nghiệp Y- Dược đầu tiên của Việt Nam được đặt tại huyện Bình Chánh – là huyện lớn thứ 3 của TP.HCM và cũng là huyện đông dân nhất của cả nước với hơn 815.000 người.
Vào cuối năm 2023, UBND huyện Bình Chánh đã có tờ trình thông qua Đề án đầu tư – xây dựng huyện Bình Chánh thành quận (hoặc thành phố trong thành phố trực thuộc TP.HCM), giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, đến năm 2030, Bình Chánh trở thành “đô thị phức hợp”, hướng đến việc hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng TP.HCM, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khoẻ, trọng tâm phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái, trong đó phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch làm nền tảng.