Diện tích đất bỏ hoang lớn, số tiền xử phạt nhỏ
Thời gian qua, không ít trường hợp được nhà nước giao, cho thuê đất, dự án nhà ở không đưa đất vào sử dụng, bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực từ đất.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2021 có 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541,6 ha. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, cả giai đoạn chỉ có 286 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, tăng thuế đất cần tập trung vào đối tượng đầu cơ, bỏ hoang
Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, qua rà soát có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích trên 5.000 ha.
“
Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà, hiện nay người dân đang đóng 4 loại thuế phí liên quan đến đất đai gồm:
Thuế thu nhập cá nhân bằng 2% giá chuyển nhượng;
Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thuế suất 0,03% đối với đất trong hạn mức, 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 – 3 lần hạn mức;
Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x Giá tính lệ phí trước bạ;
Phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố quy định nên mức thu có sự khác nhau.
”
Theo đánh giá của Đoàn Giám sát của Quốc hội, thời gian qua, hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn.
Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận, bên cạnh tình trạng bỏ hoang, nhiều diện tích đất cũng được đưa vào sử dụng hiệu quả.
Anh Trần Văn Nguyên (Thạch Thất, Hà Nội), chủ một khu nông trang du lịch cho biết, anh được nhà nước cho thuê hơn 10.000m2 đất dịch vụ. Anh vừa tổ chức hoạt động trải nghiệm vừa trồng cây ăn quả, mỗi năm thu nhập gần 1 tỷ đồng. Ngoài các chi phí, hàng tháng anh vẫn đóng thuế khoảng 20 triệu đồng.
Đối với các dự án nhà ở, Bộ Xây dựng cũng cho biết, quý IV/2022, cả nước có 22 dự án với 5.995 căn được cấp phép; 466 dự án với 228.029 căn đang triển khai xây dựng; 28 dự án với 3.258 căn đã hoàn thành xây dựng.
Tăng thuế đất đầu cơ, bỏ hoang, khuyến khích người sử dụng đất hiệu quả
Do đó, trước dự thảo đề xuất tăng thuế đất phi nông nghiệp của Bộ Tư pháp, các chuyên gia bất động sản cho rằng, cần có sự phân biệt đối tượng tăng thuế. Theo đó, tập trung đánh thuế cao với đất bỏ hoang, đầu cơ, mạnh tay xử lý đất vi phạm, lấn chiếm. Đồng thời, khuyến khích đối với người được giao, cho thuê đất đưa đất vào sử dụng hiệu quả.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tăng thuế bất động sản phải giữ nguyên tắc, không tăng thuế trên tài sản mà cải cách thuế trên tài sản. Nghĩa là thuế không đánh vào người nghèo mà đánh vào hoạt động đầu cơ, tích trữ đất, không đưa đất vào sử dụng.
Theo ông Võ, đất lấn chiếm cần thẳng tay thu hồi. Nếu đánh thuế đất này coi như thừa nhận việc lấn chiếm. Còn những trường hợp có đất đúng pháp luật mà không sử dụng thì mới tính thuế với tỷ suất cao. Đơn cử như đất bỏ hoang.
Song song với đó, nhà nước cần chính sách khuyến khích giảm thuế nếu sử dụng đất tốt, hiệu quả cao. “Chúng ta không chỉ nhăm nhăm nâng tỷ suất thuế mà không có sự động viên sử dụng đất hiệu quả”, ông Võ nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nêu ý kiến, tăng thuế cần thiết xem xét mức đánh thuế phù hợp. Trước hết phải rà soát lại hết các loại thuế, phí liên quan đến từng loại đất, tài sản, xem nó đang chịu những loại thuế, phí nào. Từ đó để cân đối tăng, giảm từng loại thuế, phí cho hợp lý.
Đồng thời, cân đối thu nhập của người dân với các chi phí liên quan, trong đó có chi phí nhà ở, xem nhà ở, nhà trọ chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập? Các chi phí khác như học hành, ăn uống, hoạt động phục vụ sức khoẻ, đi lại… chiếm bao nhiêu chi phí.
Từ sự rõ ràng, mình bạch đó, chúng ta mới giải thích được lý do vì sao tăng. Không thể chỉ căn cứ vào tỷ lệ GDP hay phần trăm nguồn thu ngân sách để đòi hỏi phải bằng tỷ lệ thuế các nước khác. Thuế của chúng ta chỉ dựa trên cơ sở thu nhập, mức sống của người dân trong nước.
“Cơ sở để chúng ta đưa ra mức thuế không chỉ phụ thuộc vào giá trị tài sản mà còn phụ thuộc vào mức sống, mặt bằng chung của xã hội…, nâng làm sao để người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích. Khi và chỉ khi hài hoà được lợi ích giữa nhà nước và nhân dân thì chính sách đó mới thành công”, ông Thịnh nói.
Trước đó, trong dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Bộ Tư pháp đề cập, thuế sử dụng đất ở thấp. Cụ thể: thuế suất 0,03% đối với đất trong hạn mức, 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 – 3 lần hạn mức.
Dự thảo cho rằng, điều này đã dẫn đến chủ sử dụng đất không bị tác động nhiều từ thuế đất, bỏ hoang đất. Do đó, dự thảo định hướng, quy định ngưỡng chịu thuế, nâng mức thuế suất đối với đất ở (đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở) và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế.
Bộ Tư pháp cũng đề xuất quy định mức thuế suất cao (bằng mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế đang dự kiến áp dụng đối với đất ở) với đất lấn chiếm, đất bỏ trống, đất chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng theo đúng quy định; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích.