Chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị cuối cùng đã làm rõ vấn đề trên. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhắc lại thông điệp đã được ông phát biểu nhiều lần: Để phát triển BĐS bền vững, các địa phương và các DN trước hết phải tạo công ăn việc làm. Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân. Có công ăn việc làm thì mới có người đến làm. Có người đến làm thì mới có người đến ở. Có người đến ở thì mới có người mua nhà. Có người mua nhà thì mới phát triển được BĐS, khu đô thị.
Nhấn mạnh tinh thần của hội nghị là “tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh “không ai giải cứu cho ai”.
Sau một thời gian bị một số DN BĐS và các đối tượng đầu cơ “thổi giá”, BĐS ở Việt Nam sau thời gian “đóng băng”, vẫn còn ở mức “trên trời”. Theo một số liệu, giá BĐS của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)…
Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao…
Tại Hội nghị, một chuyên gia là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, “ngay từ 2016, một đề án trình Chính phủ đã dự báo đến 2023 có thể sẽ có bong bóng BĐS và điều đó đã xảy ra”. Đất đai là tài nguyên quý hiếm, nhà ở là nhu cầu thiết yếu, nên không thể để các đối tượng đầu cơ mua gom BĐS, mua gom tài nguyên để tích trữ, biến thành lợi nhuận khổng lồ trong tương lai, trong khi nhu cầu của người dân không được đáp ứng. “Chúng ta xây dựng thị trường BĐS lành mạnh, lâu dài và phải gắn với việc phát triển sản xuất, công nghiệp, đặc biệt gắn với nhu cầu thiết yếu của nhân dân”, ông nhấn mạnh. Các DN BĐS và nhà đầu tư phải bỏ thói kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm.
Cũng tại Hội nghị, đại diện một ngân hàng thương mại lớn khẳng định, sẽ định hướng cấp tín dụng có chọn lọc (tập trung vào các DN uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt). Với khách hàng cá nhân, định hướng cấp tín dụng với người có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch… Duy trì tài trợ với dự án thuộc phân khúc BĐS đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân. Đại diện ngân hàng này chỉ ra tồn tại hiện tượng đầu cơ “lướt sóng” BĐS ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường BĐS và hoạt động cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đã nêu rõ một số vấn đề nổi lên của thị trường BĐS; là cơ cấu cung – cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp; giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người; vướng mắc pháp lý; và đặc biệt, các DN BĐS chưa thực sự linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc do chính mình gây ra.
Thủ tướng chỉ ra, các DN BĐS phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh hài hòa. “Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kỳ vọng của giới đầu cơ BĐS là “được giải cứu”, đã càng xa. Nhưng dư luận đồng tình ủng hộ với quan điểm của Chính phủ, vì chủ trương được công bố qua Hội nghị, sẽ làm lành mạnh hóa thị trường BĐS, sẽ đưa giấc mơ có một mái nhà của người dân sớm trở thành hiện thực.
Minh Khang