Lương chỉ cao hơn 100.000 – 200.000 đồng là “nhảy”
Bà Trần Ngọc Hải, quản lý một hệ thống mầm non ở TPHCM khổ sở kể về vấn nạn nghỉ việc, nhảy việc của giáo viên mầm non các trường tư thục đang phải đối mặt.
Trường tuyển dụng, mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc đào tạo để các cô có thể làm việc. Trường cũng biết nhân sự là giáo viên mầm non dễ “rơi rụng” nên đưa ra nhiều chính sách về thu nhập, tạo chỗ ăn ở, hỗ trợ tập huấn bồi dưỡng…
Sinh viên ngành mầm non tại ngày hội việc làm (Ảnh: Hoài Nam).
Vậy nhưng, nhiều giáo viên học việc, vào nghề xong là nghỉ, nhảy việc ngay sang nơi khác.
“Có lúc, sáng hôm sau vẫn báo trẻ đến lớp, cô giáo đã đột ngột nghỉ việc, không báo trước. Đội ngũ quản lý, ban giám hiệu phải vào “thế chỗ” đứng lớp, dạy học… là chuyện thường xuyên ở trường tôi cũng như ở nhiều trường mầm non khác”, bà Hải ta thán.
Nhà quản lý này cho hay, có “muôn hình vạn trạng” câu chuyện về cô giáo mầm non nghỉ việc, nhảy việc. Có cô đang dạy nhưng không thích nữa hoặc gặp một chút khó khăn là nghỉ việc ôm đồ về quê. Có cô chỉ cần lương nơi khác nhỉnh hơn chút cũng… nhảy ngay.
Bà Hải kể, trường mình có một cơ sở ở quận 9 cũ (TPHCM), nằm trong một dãy tập trung nhiều trường mầm non. Có khi các cô đưa trẻ ra ngoài tập thể dục, phía bên kia, trường “đối thủ” ra tín hiệu, đá lông nheo, nháy mắt… là hôm sau bên này mất người.
Đau lòng nhất là bên “đá lông nheo” đưa ra mức lương chỉ cao hơn 100.000 – 200.000 đồng là các cô ra đi, để lại một đống ngổn ngang… Trường chỉ mong các cô có trách nhiệm, dạy đủ năm hoặc ít nhất là một kỳ để lớp ổn định mà việc đó cũng không đơn giản.
Theo bà Hải, mức lương giáo viên mầm non luôn có giới hạn, không thể cao vọt, vì học phí của học sinh rất giới hạn. Dù vậy, mức lương không cao so với nhiều công việc khác đó vẫn được khẳng định không phải quá thấp. Cô giáo mầm non mới ra trường lương 7 – 8 triệu đồng/tháng, và các trường còn tăng lương theo kỳ chứ không phải theo năm để giữ người.
Các trường mầm non tư thục khổ sở trước tình trạng nhân sự nhảy việc (Ảnh: Hoài Nam).
Người này khẳng định, trường cố gắng quan tâm đến những chính sách, chế độ. Cách quản lý với nhân sự gen Z cũng nới lỏng, ít khắt khe hết mức có thể… Vậy mà vẫn khó tìm được những nhân sự trách nhiệm với công việc.
Tuyển người cho… hàng xóm
Ở thành phố, gia đình nào có giúp việc nhà sẽ hiểu phần nào tình cảnh… bị hàng xóm “cướp” người. Giúp việc nhà là công việc dễ bị người xung quanh dòm ngó và săn đón nhất.
Chị Huỳnh Thanh Phương, sống tại một chung cư ở Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ về trải nghiệm đôi ba lần rơi vào cảnh tuyển người giúp việc cho… hàng xóm.
Nhiều chủ nhà rơi cảnh mất tiền, công sức tuyển người giúp việc cho… hàng xóm (Ảnh minh họa: H.N).
Có trường hợp giúp việc được người quen giới thiệu, có người chị phải bỏ tiền tìm qua trung tâm môi giới. Khi họ bước vào giai đoạn quen việc, quen nhà thì bất ngờ xin nghỉ việc. Vài hôm sau, chị thấy giúp việc của mình đang làm việc ngay cho hàng xóm bên cạnh.
Theo chị Phương, ở chung cư là dễ bị mất người giúp việc vào tay hàng xóm nhất. Cô nào làm được việc, có tiếng chút là những gia đình khác sẽ tìm cách… “cướp” người. Có khi các cô nhảy việc chỉ sau đúng một lần gặp gỡ với gia đình mới dưới sân chơi, hay chỉ cần một cái gật đầu nhấm nháy.
Chị Phương nêu quan điểm, một nhân sự mà thái độ và trách nhiệm như vậy chị không luyến tiếc, không giữ. Sự chung thủy, trung thành luôn là yếu tố quan trọng trong mọi mối quan hệ, kể cả trong công việc. Nhất là với người giúp việc nhà, người ăn ngủ, sinh hoạt cùng gia đình, con cái gia chủ thì phẩm chất này càng cần thiết.
Chị Phương trải lòng: “Ai đã muốn đi, tôi sẽ không giữ. Nhưng mình mất tiền tuyển về, hỗ trợ cho quen việc, quen môi trường sống lại bị nhà kế bên “lụm” mất thì rất khó chịu”.
Tình trạng nẫng tay trên nhân sự này xảy ra trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Phía nhà tuyển dụng có nhiều cách thức để móc nối, kết nối với các nhân viên của các doanh nghiệp khác.
Nhiều quan điểm trái chiều trong việc tuyển người từ các công ty đối thủ (Ảnh minh họa).
Nhiều năm gần đây, việc “cướp” người được nhắc nhiều trong ngành nhà hàng khách sạn. Có người đến công ty đối thủ ăn uống, trải nghiệm dịch vụ và không quên nhét vào tay nhân viên họ đang nhắm đến chiếc namecard (danh thiếp) cùng cái nháy mắt. Thế là vài hôm sau, bên này đã mất nhân viên, chỉ biết than “và em đã đi theo người ta”.
Có nhiều góc nhìn, quan điểm khác nhau về chuyện nhân viên nhảy việc. Không ít nơi sẵn sàng tìm mọi cách kéo người của đối thủ về. Ngược lại, có những nhà quản lý, doanh nghiệp rất dị ứng với nhân viên nhảy việc quá nhiều hay “nói không” với người từ các công ty đối thủ khi đánh giá về thái độ, sự gắn bó, trách nhiệm…
Theo bà Trần Ngọc Hải, các cơ sở đào tạo cần quan tâm rèn luyện, nhắc nhở sinh viên về trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt, mỗi đứa trẻ cần được giáo dục về trách nhiệm ngay từ bé, trong đó có cả trách nhiệm với việc học hành, lựa chọn nghề nghiệp.