Mất việc ở tuổi 46, chị Trương Thị Hiếu tìm cách quay lại nhà máy để tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội, chờ hưu, nhưng bất thành.
Hai thập kỷ trước, chị Hiếu mang theo ước mơ thoát nghèo hoà vào làn sóng di cư đến TP HCM, khi nhu cầu lao động của ngành da giày bùng nổ. Cả tuổi thanh xuân, chị là gái công xưởng. Không gia đình riêng, khoản lương hàng tháng, chị đều đặn trích gửi về Nghệ An nuôi mẹ già và hai đứa cháu mồ côi. “Tôi xác định về già không ai trông cậy. Tôi muốn có lương hưu”, chị Hiếu nói.
Giấc mơ tan vỡ vào ngày chị thấy tên mình trong danh sách cắt giảm nhân sự của Công ty TNHH Tỷ Hùng, cuối năm ngoái. Khi đó, chị Hiếu còn 6 tháng nữa là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), đáp ứng điều kiện để chờ đủ tuổi hưởng lương hưu. Nhiều ngày gõ cửa các công ty tìm việc không thành, chị kết luận: “Ngoài 40 tuổi, xin việc gì cũng khó”.
Sau khi bị cắt giảm, chị Hiếu đi nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Lê Tuyết
Chị Hiếu xác định sẽ tự đóng bảo hiểm xã hội nốt số tháng còn thiếu. Ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp 5 triệu đồng mỗi tháng, chị đang nhặt phế liệu kiếm thêm tiền. “Nhưng tôi không thể nhặt ve chai đến tận tuổi hưu”, chị Hiếu nói về khoảng thời gian 14 năm tới.
Cũng nằm trong làn sóng cắt giảm, chị Đặng Thị Kim Hường thất nghiệp ở tuổi 45, sau 10 năm gắn bó với Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam. Bị nhiều nhà máy từ chối, chị đi đến quyết định sẽ rút BHXH một lần. Lương hưu còn quá xa, chưa kể phải đối mặt với quãng thời gian bấp bênh chờ đợi để đổi lấy số tiền ít ỏi lúc về già.
Nếu đóng BHXH đủ 20 năm với mức lương bình quân cả quá trình 6 triệu đồng, chị cũng chỉ nhận 2,7 triệu (45%). Mức này dưới chuẩn nghèo, rất khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng. Nếu đóng dài hơn, mức hưởng nâng lên tối đa 4,5 triệu đồng (75%). Nhưng chị không tìm được việc làm, cũng không đủ khả năng tự đóng BHXH.
Đột ngột mất việc, chị Hiếu và chị Hường có lựa chọn khác nhau, nhưng chung một điểm: Bị đẩy ra khỏi nhà máy khi đã ngoài 40 và không tìm được việc mới, trong khi tuổi hưu còn cách xa cả thập kỷ.
Chưa đến hưu đã hết tuổi nghề
“Có một khoảng cách khá lớn giữa tuổi nghề và tuổi hưu”, PGS TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), phân tích. Công nhân bước sang tuổi 40, khi tuổi nghề đã hết, tức bị các nhà máy từ chối, nhưng tuổi hưu chưa đến, tạo ra khoảng trống khiến lao động bơ vơ.
Việc này diễn ra phổ biến ở các ngành nghề thâm dụng lao động. Đơn cử như ngành may mặc, độ tuổi trung bình của nữ công nhân hiện là 34, theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP HCM năm 2021. Trong đó, chỉ 18% ngoài 43 tuổi đang làm việc.
TS Lộc đánh giá tuổi càng tăng, cơ hội việc làm càng thu hẹp. Trong khi đó, để tiếp cận được lương hưu, những công nhân như chị Hiếu và chị Hường phải đáp ứng hai điều kiện: đủ năm đóng bảo hiểm, và chờ đến tuổi hưu theo quy định. Thách thức này không dễ vượt qua, đặc biệt trước sự cám dỗ của làn sóng rút BHXH một lần đang lan rộng.
Công nhân chưa đóng đủ năm BHXH thường chọn hưởng trợ cấp một lần để lấy 100-200 triệu đồng. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy trong hơn 4 triệu người nhận “một cục” giai đoạn 2016-2021, 99% là chủ động rời bỏ hệ thống sau khi nghỉ việc.
Nhiều lao động tay chân mong muốn được giảm tuổi hưu để hưởng bảo hiểm sớm hơn. Thế nhưng, đặt trong bài toán cân đối quỹ, đây là điều không thể.
“Nếu ai cũng đóng ngắn, hưởng dài, thì quỹ hưu trí sẽ lâm nguy”, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, lý giải.
Ông Huân phân tích có hai cách để đảm bảo nguồn tài chính cho quỹ bảo hiểm. Đó là tăng mức đóng, hoặc nâng thời gian tham gia và giảm mức hưởng.
Mức đóng không thể tăng được nữa vì hiện đã khá cao (tổng 32% lương) nên buộc phải điều chỉnh công thức tính lương hưu. Việc điều chỉnh tuổi hưu, mức hưởng cũng là cách nhiều quỹ hưu trí trên thế giới phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho quỹ. Bởi nếu vẫn giữ quy định mức hưởng và tuổi hưu như Luật BHXH 2006, quỹ bảo hiểm chỉ cân đối được đến năm 2034-2036, theo tính toán của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Khi Luật BHXH thay đổi lần đầu vào năm 2014, số năm đóng tối thiểu để hưởng BHXH đã tăng từ 15 lên 20, đồng nghĩa, thời gian để đạt mức hưởng tối đa sẽ dài hơn. Kéo theo đó, tuổi hưu phải tăng lên. Bộ Luật lao động năm 2019 quy định tuổi về hưu theo lộ trình tăng sẽ là 62 với nam (năm 2028) và 60 với nữ (2035).
Tuy nhiên, thay đổi này khiến người lao động thu nhập thấp lo lắng khi mất việc ở độ tuổi “dở hơi” – không trẻ nhưng chưa già, tay nghề lại không cao nên khó tìm việc. Nhiều người nghĩ đến khoản tiền trăm triệu đang “ký gửi” chờ lương hưu.
“Suy nghĩ rút BHXH thường chỉ xuất hiện khi người lao động không có việc làm ổn định, hoặc công việc bấp bênh, bởi khi đứng bên bờ vực mất việc làm, họ mới giật mình không có khoản tiền tiết kiệm nào làm chỗ dựa”, GS TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học kinh tế quốc dân, phân tích.
Loay hoay trước tuổi hưu
Khoảng cách đến lương hưu của những lao động trung niên đang lớn hơn khi quy định về tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng. Không thể giảm tuổi hưu, họ chỉ còn lựa chọn đổi nghề nếu vẫn muốn ở lại hệ thống an sinh. “Bệ đỡ” này cũng đã được tính đến, nhưng chưa thành công.
Sau khi bị Công ty Pou Yuen cho nghỉ việc, chị Hường chuyển sang bán đồ ăn sáng trên vỉa hè. Tuy nhiên, việc buôn bán không thuận lợi, thu nhập giảm mạnh so với lương 10 triệu khi còn làm công ty. Mặc dù xoay xở nhiều cách để mưu sinh, chị Hường từ chối học nghề mới với sự hỗ trợ của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Lý do chị đưa ra là “không có nghề phù hợp với mong muốn”.
Chị Hường không phải cá biệt. Theo số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm quốc gia ba năm qua, trong số lao động thất nghiệp, chưa tới 3% được hỗ trợ học các nghề trình độ sơ cấp như lái ôtô, nấu ăn, pha chế… Chính sách chuyển đổi nghề cũng chưa hiệu quả. Dù lượt tư vấn việc làm gấp đôi số người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, nhưng tỷ lệ được giới thiệu việc làm chỉ quanh quẩn 20%.
Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm quốc gia, đánh giá danh mục đào tạo nghề chưa phong phú, lạc hậu, mức phí cao nên người lao động ít cơ hội lựa chọn. Các cơ sở dạy nghề cũng không mặn mà tiếp nhận do chiêu sinh không đủ.
Hiện, bảo hiểm thất nghiệp mới hỗ trợ cho người lao động học các nghề sơ cấp từ một đến dưới 12 tháng với tổng chi phí không quá 4,5 triệu đồng. Chính sách chưa hỗ trợ đào tạo ngắn hạn dưới một tháng (như kỹ năng mềm), và dài hạn trên 12 tháng để chuyển đổi nghề nghiệp như trung cấp, cao đẳng nghề… Hệ quả là chưa thu hút được người lao động.
Ngoài ra, ông Liễu nêu thực tế đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông, không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn, chiếm 69%. Họ không muốn tốn thời gian cho việc học nên khi mất việc chỉ quan tâm đến hưởng trợ cấp. Tâm lý chung là tìm công việc giản đơn để duy trì cuộc sống, học nghề là lựa chọn cuối cùng.
Theo GS TS Giang Thanh Long, các chính sách bảo hiểm được thiết kế với mục đích nâng đỡ để người lao động không tụt xuống thảm cảnh. Ví dụ, mất việc sẽ có trợ cấp thất nghiệp, sau đó giúp tìm việc, giới thiệu việc làm. Nếu kỹ năng của lao động đã lỗi thời thì đào tạo chuyển sang nghề mới, tiếp tục làm việc, tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Làm tốt những việc đó, người lao động sẽ dễ dàng đến được đích cuối cùng là lương hưu.
“Muốn vậy cả quy trình quản lý phải ăn khớp với nhau. Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ dường như chưa liên thông”, ông Long nói.
Trong khi các chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp chưa rõ nét, ông Long đánh giá một số tình huống lại gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi để lao động rút BHXH một lần. Ông dẫn chứng những lao động làm việc lâu năm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể kéo dài đến 12 tháng, vừa đủ một năm chờ nhận BHXH một lần. Do đó, nhiều người chọn lãnh trợ cấp thất nghiệp, làm thời vụ và chờ đủ 12 tháng mất việc để rút bảo hiểm.
“Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mục tiêu đặt ra là nâng đỡ thị trường lao động, nhưng trở thành lỗ hổng để người lao động tận dụng chờ rút bảo hiểm”, ông phân tích.
“Củ cà rốt”
Ở lần sửa đổi này, dự thảo Luật BHXH đang tính toán giảm số năm đóng để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15, đồng thời siết chặt chính sách rút BHXH một lần. Mục tiêu là tăng khả năng tiếp cận lương hưu của lao động, bao gồm cả nhóm “chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề”.
Việc thay đổi để bao phủ lưới an sinh cho nhóm cao tuổi đang cấp thiết hơn khi từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp vào thiếu việc làm có xu hướng tăng, nhất là ở nhóm trên 50 tuổi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này tăng gấp đôi vào 2021 (từ 0,99 lên 1,86%). Có xu hướng tương tự, tỷ lệ thiếu việc làm của nhóm này tăng sớm hơn, từ 0,81% (2019) lên 1,36% (2020).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách này chưa đủ để khắc phục tâm lý “nước xa không cứu được lửa gần” của người lao động.
“Để người lao động ở lại với hệ thống không chỉ dùng cây gậy là tìm cách hạn chế rút BHXH một lần mà phải có cả củ cà rốt”, ông Nguyễn Hải Đạt, điều phối quốc gia chương trình An sinh xã hội (ILO tại Việt Nam), nói.
“Củ cà rốt” đầu tiên, theo ông Đạt, là tăng phúc lợi hỗ trợ người lao động trong tình huống mất an ninh thu nhập. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hai nguyên nhân phổ biến dẫn đến tỷ lệ rút BHXH một lần là mất việc làm và sinh con. Người lao động thường dùng khoản trợ cấp này để thay thế chế độ mà hệ thống bảo hiểm xã hội chưa có, hoặc chưa cung cấp đủ.
“Củ cà rốt” thứ hai chuyên gia kiến nghị là hỗ trợ chuyển đổi nghề, tức hệ thống bảo hiểm thất nghiệp cần cải thiện chương trình đào tạo và dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm việc làm.
Theo ông Đạt, việc người ngoài 40 tuổi không phù hợp yêu cầu công việc trong nhà máy sản xuất là vấn đề của thị trường lao động. Người còn sức khoẻ và trong độ tuổi cho phép có thể làm những công việc phù hợp. Nhà nước cần có chính sách về lao động để giải quyết, chứ không phải dùng chính sách an sinh để cho hưởng lương hưu sớm. Do đó, khi cải cách BHXH cần kết hợp các chính sách kinh tế, việc làm và lao động khác.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng Việt Nam trải qua hơn 30 năm phát triển khu công nghiệp, thu hút ngành nghề thâm dụng lao động. Giờ đây, nhà nước cần đánh giá đúng vấn đề của lao động nhiều tuổi để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ mất việc đang tăng nhanh và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong hai tháng qua do ảnh hưởng suy thoái kinh tế.
Ông Lộc cho rằng lao động trung niên của Việt Nam giai đoạn này giống Hàn Quốc 24 năm trước. Giải pháp của nước này là thành lập quỹ Lao động Hàn Quốc năm 1999, với mục tiêu giúp nhóm này “trở lại mạnh mẽ”. Nguồn tài chính được lấy từ ngân sách, đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân và lợi nhuận từ đầu tư quỹ. Nhờ đó, quỹ cung cấp các chương trình như hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe… cho nhóm lao động yếu thế.
“Cần thêm các thực hành theo phương châm ‘bù đắp nhiều hơn, thu vừa đủ’ để làm sống động lại thị trường lao động”, ông Lộc nói.
Hiện, Việt Nam có quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kết dư lớn, có thời điểm lên đến gần 90.000 tỷ đồng. Mục tiêu của quỹ là nâng đỡ, hỗ trợ thị trường lao động, có nét tương đồng quỹ Lao động Hàn Quốc. Do đó, lúc này, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần phát huy đúng vai trò, có chính sách rõ ràng hơn cho nhóm lao động trên 40 tuổi, giúp họ quay lại thị trường.
Pháp luật hiện cũng đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật ngăn sa thải lao động, nhất là nhóm trung niên trở lên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhóm này vẫn mất việc và cơ hội quay lại thị trường rất khó, nhất là lao động nữ.
Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy đề xuất nhà nước cần lập nhiều rào cản kỹ thuật hơn cho tình huống doanh nghiệp không tái ký với lao động thâm niên. Cụ thể như phân bổ, điều động lao động trên 40 tuổi làm các khâu đơn giản. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế, phí cũng cần ưu tiên hơn cho doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách này.
Bà gợi ý có thể học tập mô hình của Nhật Bản – nơi có dân số già. Nhà nước quy định rõ ngành nghề cần tuyển dụng lao động nhiều tuổi, thậm chí người về hưu, để không phải cạnh tranh công việc với người trẻ. Chính sách đào tạo nghề cho nhóm này cũng phải đáp ứng đúng kỹ năng thị trường cần.
Song song đó, người lao động phải chủ động nâng cao trình độ. Mỗi người cần xác định có những ngành nghề chỉ cần lao động trẻ và tính toán phương án cho mình sau tuổi 45.
Thế nhưng, với những công nhân lo ăn mỗi bữa như chị Hiếu, chị Hường, việc vạch ra lộ trình đối phó các rủi ro trong tương lai là chuyện xa vời. Sau khi cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nhà máy, họ nghĩ chỉ cần làm việc chăm chỉ, sẽ được ở lại công xưởng, chờ hưu.
Lê Tuyết – Thu Hằng – Khánh Hoàng