Các khoản phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) khó tách bạch bởi mỗi doanh nghiệp có hàng chục, thậm chí hàng trăm loại, theo Vụ phó Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Điều này gây thiệt cho lao động bởi quá trình làm việc các khoản trên đều thay đổi.
Phương án hai là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền được tính đóng BHXH bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.
Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phân tích Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khó tách bạch các loại phụ cấp cũng như khoản bổ sung khác. Quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp nhà nước có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định, song thực tế cũng mới tính đóng trên ba loại phụ cấp, gồm chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).
Với doanh nghiệp trả lương tối thiểu rất khó quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau. Có doanh nghiệp trưng hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và gần như không thể tính đóng BHXH. Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập của lao động: Loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế.
Người lao động tìm việc mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Cơ quan quản lý ghi nhận tình trạng doanh nghiệp tách hoặc chuyển các khoản phụ cấp sang phúc lợi khác để không phải tính đóng BHXH. Vì thế tiền lương đóng BHXH hiện chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu, cộng 5-7% phụ cấp nặng nhọc, độc hại, hoặc lao động qua đào tạo nghề. Mức đóng này khiến lương hưu rất thấp. Ví dụ, doanh nghiệp trả cho lao động 20 triệu đồng nhưng đóng BHXH trên nền lương 5 triệu. Nếu đóng đủ năm và nghỉ hưu đúng tuổi, người đó chỉ được hưởng tối thiểu 45% và tối đa 75% bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Để khắc phục bất cập trên, Vụ phó Bảo hiểm xã hội cho biết dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung phương án hai. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Các khoản này gồm xác định từ trước và biến động trong quá trình làm việc, ví dụ phụ cấp chuyên cần trong tháng nếu tăng đều sẽ tính đóng BHXH.
Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận sẽ khó khăn trong thực thi nếu chọn phương án hai bởi khoản phụ cấp biến động theo tháng và tiền thu sẽ được tính khác nhau. “Doanh nghiệp vẫn có thể lách sang các khoản phúc lợi khác để giảm chi phí đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng về lâu dài, việc thu đúng, thu đủ là cần thiết để nâng nền đóng lên, cải thiện lương hưu”, ông nói.
Tiền lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào số năm đóng và tiền lương tính đóng BHXH. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, tiền lương tính đóng BHXH bình quân toàn hệ thống là 5,73 triệu đồng, bằng 76% thu nhập trung bình của lao động làm công hưởng lương (7,54 triệu đồng theo công bố của Tổng cục Thống kê). Doanh nghiệp FDI có mức tiền lương tính đóng BHXH cao nhất và thấp nhất là khối dân doanh.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Thông tư 59 năm 2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, quy định phụ cấp lương là khoản bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất công việc, điều kiện sinh hoạt mà hợp đồng chưa tính tới, gồm phụ cấp chức vụ, chức danh; trách nhiệm; nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; thâm niên; khu vực; phụ cấp lưu động, thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản phúc lợi không tính đóng BHXH gồm: Tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi lao động có thân nhân kết hôn, qua đời, tiền sinh nhật, trợ cấp khó khăn khi tai nạn lao động.
Hồng Chiêu