Thắc mắc đến từ công ty bà Nguyễn Thị Kim Yến (TPHCM). Bà Yến hỏi, công ty muốn đăng ký số giờ làm thêm từ 200 giờ lên 300 giờ/năm có được không?
Trường hợp của công ty có được hiểu là thuộc đối tượng được phép đăng ký làm thêm giờ: “Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm” không? Nếu được thì thủ tục đăng ký/thông báo như thế nào?
Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời như sau:
Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ và bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.
Trường hợp người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm (đã sử dụng hết 200 giờ trong năm) phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.
Hồ sơ thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm của đơn vị cung cấp phải bảo đảm các nội dung theo quy định:
Thời gian thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm giờ theo Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV Khoản 2 Điều 62 ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
Phải có sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ, được ký thành văn bản riêng về các nội dung: Thời giờ làm thêm, địa điểm làm thêm, công việc làm thêm theo quy định Điều 59 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ (Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV).
Các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm phải bảo đảm theo ngành, nghề, công việc theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 61 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp công ty đăng ký làm thêm giờ theo “Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm” do công ty tự xác định và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật; đồng thời khi thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phải bảo đảm theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019.