STRESS VÌ… GEN Z ?
Theo anh Lê Hoài Phong, Phó giám đốc Công ty Lotus Holdings, Q.12, TP.HCM, không thể phủ nhận gen Z năng động, sáng tạo, cá tính, chủ động trong công việc. Minh chứng rõ nét nhất đó là trong công ty có khoảng một nửa nhân viên là gen Z.
“Năng suất làm việc của gen Z rất hiệu quả. Họ có những suy nghĩ, sáng kiến độc đáo. Nhưng vì cá tính mạnh và cái tôi quá lớn nên một bộ phận gen Z có phần ảo tưởng, đòi hỏi quá cao. Chính điều đó đã làm khó cho lãnh đạo”, anh Phong cho biết.
Anh Phong kể chuyện một nhân viên gen Z làm việc chừng 2 năm, vì tự tin vào khả năng của bản thân đã tự đề cử bản thân ở vị trí quản lý: “Khi lãnh đạo công ty cho rằng cần thêm thời gian chứng tỏ năng lực, trau dồi kinh nghiệm, để khi được đề bạt lên nhiệm vụ cao hơn thì tất cả nhân viên sẽ “phục”, tránh tình trạng mọi người xầm xì thì nhân viên ấy cho rằng lãnh đạo không tin tưởng, “không biết nhìn người” và sau đó viết đơn nghỉ việc”.
Những thế hệ khác biệt cần có sự thấu hiểu và đồng cảm với nhau để tháo gỡ khúc mắc
Trường hợp khác, có những nhân viên gen Z ta thán công ty không có không gian để giải trí vào giờ nghỉ. Họ mạnh dạn đề xuất cần trang bị ti vi, bàn bi da… Khi không được đáp ứng đã chê môi trường làm việc kém và quyết định ra đi.
“Những câu chuyện như thế khiến lãnh đạo mệt mỏi, vì không biết khi nào thì lực lượng lao động chủ lực ấy sẽ xin nghỉ việc, ảnh hưởng đến tiến độ kinh doanh của công ty”, anh Phong nói.
Chị Nguyễn Uyên Thảo, quản lý nhân sự của Công ty TNHH Vỹ Thái, Q.7, TP.HCM, cho biết nhân viên trong công ty có cả thế hệ X, Y, Z. Vào giờ trưa, gen X và gen Y muốn tranh thủ nghỉ ngơi, còn gen Z lại thường làm việc xuyên trưa. “Câu chuyện nhỏ như vậy nhưng cũng trở thành nguyên nhân khiến gen Z và hai thế hệ còn lại mâu thuẫn. Cái tôi quá lớn của mỗi bên làm bùng lên những tranh cãi”, chị Thảo kể.
Gen Z được đánh giá tự tin, năng động
Anh Lê Hữu Nhật Đăng, Trưởng phòng nhân sự một công ty lĩnh vực môi trường ở Q.7, TP.HCM, cho biết thế hệ Z có thói quen song hành cùng điện thoại mọi lúc mọi nơi. Trong giờ họp, khi đi ăn, cùng ngồi cà phê… đều sử dụng điện thoại để tán gẫu, selfie (chụp ảnh), livestream (phát trực tiếp)… Điều này trái ngược hoàn toàn với gen X, gen Y nên hai thế hệ lớn hơn không hài lòng về gen Z, cho rằng họ không được tôn trọng.
Còn anh Đỗ Văn Quý, quản đốc của Công ty xây dựng An Phát, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, thừa nhận một số gen Z không chịu kham khổ bằng gen Y. “Khi đi công trình, dù thời tiết thế nào thì gen Y cũng chấp nhận chịu được, nhưng gen Z hay phàn nàn khi trời nắng hoặc phải di chuyển đường xa”, anh Quý kể.
Ở chiều ngược lại, trao đổi với người viết, một số gen Z phản ánh những thế hệ lớn tuổi hơn thiếu năng động, sáng tạo. Chưa kể, họ cảm thấy không hài lòng với đồng nghiệp gen X, gen Y về việc kém thích ứng với công nghệ mới, hạn chế kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, làm việc còn rập khuôn, hiệu suất công việc không bằng lao động trẻ, luôn thể hiện sự cứng nhắc, hà khắc, áp đặt trong công việc…
THÁO GỠ “NÚT THẮT”
Chuyên gia đào tạo, huấn luyện kỹ năng mềm Trần Ánh Linh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) là người từng tham gia đào tạo kỹ năng mềm cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhìn nhận rằng: “Không ít lãnh đạo doanh nghiệp đã từng phàn nàn về sự mâu thuẫn giữa gen Z và hai thế hệ lớn hơn trong môi trường làm việc hiện nay”.
Theo chị Linh, tự tin là yếu tố cần có để phát triển bản thân. Tuy nhiên tự tin có giới hạn, gen Z phải tự nhìn được giá trị bản thân một cách đúng mực, chứ không thể tự tin thái quá, tự đề cao bản thân mà xem thường những người khác.
“Gen Z có thể tự hào vì những “điểm cộng” nổi trội mà thế hệ mình có như: năng động, sáng tạo, thích nghi tốt với công nghệ mới… Nhưng đừng vì thế mà coi mình là “trung tâm của vũ trụ” rồi đưa ra những yêu cầu quá đáng, “đòi hỏi trên trời” với công ty, xem người khác không ra gì. Gen Z nhỏ tuổi hơn, phải có sự khiêm nhường, từ tốn, lễ phép với đồng nghiệp lớn tuổi. Đồng thời phải biết lắng nghe góp ý xác đáng để điều chỉnh bản thân”, chị Linh nói.
Theo chị Linh, một bộ phận gen Z có sở thích muốn làm việc một cách linh động, không muốn bị gò bó trong khuôn khổ. Tuy nhiên, khi đi làm cần tuyệt đối tuân thủ nội quy. Gen Z không thể yêu cầu thay đổi văn hóa doanh nghiệp, phá vỡ những khuôn khổ, tiêu chuẩn truyền thống vốn dĩ quen thuộc.
Với gen X, gen Y, chị Linh cho rằng với thâm niên cao hơn trong nghề, hai thế hệ này cũng phải học cách chấp nhận cá tính của gen Z. Hãy xem gen Z là đồng nghiệp, tôn trọng những ý tưởng, suy nghĩ đúng của gen Z, chứ đừng vội vàng gạt bỏ và dùng thâm niên trong nghề để áp đặt đồng nghiệp nhỏ tuổi là không biết gì hay “ngựa non háu đá”.
Cũng theo chị Linh, nếu ba thế hệ X, Y, Z có sự thấu hiểu, đồng cảm thì sẽ giúp nhau phát huy hết năng lực làm việc, tháo gỡ được những sự khác biệt về quan điểm. Những xung đột, mâu thuẫn cũng sẽ ít dần đi.
Để ba thế hệ này đi chung “đường ray”, chị Linh cho rằng mỗi thế hệ đều nên phải hạ cái tôi. “Việc không đề cao cái tôi cá nhân sẽ khiến mỗi cá nhân biết khiêm nhường hơn, tôn trọng lẫn nhau hơn, và cùng giúp nhau cố gắng trong công việc, hoàn thiện bản thân, đóng góp vào sự phát triển của công ty”, chị Linh nói.