(Dân sinh) – UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh.
Dự kiến, kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề là hơn 248 tỷ đồng, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 700 tỷ đồng gồm nguồn vốn địa phương và trung ương.
Theo đề án, đô thị mới Cam Lâm được nghiên cứu phát triển trên phạm vi toàn huyện Cam Lâm và một phần thành phố Cam Ranh. Với các tiềm năng, lợi thế của mình, đô thị mới Cam Lâm sẽ góp phần tạo ra đột phá, phát huy được tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh để trở thành một trung tâm thương mại – tài chính, ngân hàng, du lịch quốc tế, với tầm nhìn phát triển khu đô thị thông minh sinh thái hàng đầu thế giới…
Mục tiêu của Đề án là giúp cho người lao động bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa được học nghề, có việc làm, có thu nhập và cuộc sống tốt hơn, đảm bảo cung cấp nhân lực qua đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Ảnh minh họa
Căn cứ vào dự thảo Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045; theo kết quả điều tra nguồn cung lao động năm 2022 trên địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, quá trình thực hiện đô thị hóa theo quy hoạch đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 ảnh hưởng đến 70.975 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, 26% lao động đã qua đào tạo và có bằng cấp chứng chỉ; 21,96% lao động trong độ tuổi 15-25; 26,31% lao động trong độ tuổi 26-35; 33,68% lao động trong độ tuổi 36-50 và 18,05% lao động trên 50 tuổi. Trong tương lai, cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh từ nông – lâm – ngư nghiệp sang khu vực dịch vụ – thương mại và công nghiệp – xây dựng. Khu vực dịch vụ, thương mại và du lịch sẽ trở thành nguồn chính của người lao động.
Do đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng để giải quyết việc làm chuyển đổi nghề nghiệp tập trung ở các nghề tài chính – ngân hàng, dịch vụ du lịch và nhà hàng – khách sạn để cung cấp lao động cho khu vực dịch vụ và du lịch; đào tạo các nghề công nghệ – kỹ thuật để phục vụ cho khu vực công nghiệp và xây dựng. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đào tạo các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp công nghệ cao cho các lao động ở nhóm có độ tuổi lao động cao để phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ và khu vực quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện tư vấn học nghề, xây dựng phương án hỗ trợ cho người lao động, Đề án cũng đưa ra 7 mô hình cụ thể để hỗ trợ cụ thể cho người lao động bị ảnh hưởng tùy vào độ tuổi, các ngành nghề trước khi bị thu hồi đất, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…
Điều kiện hỗ trợ gồm người lao động bị thu hồi đất thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm khi còn trong độ tuổi lao động theo quy định hiện hành. Những lao động này được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.
Về mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: tối đa 3 triệu đồng/người bị thu hồi đất/khóa học (6 triệu đồng đối với người khuyết tật). Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí một khóa học theo quy định hiện hành. Ngoài mức hỗ trợ trên, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ việc làm trong nước thông qua hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa; được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia. Doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuộc Khu đô thị Cam Lâm ưu tiên tuyển dụng lao động sau khi được đào tạo nghề.
UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh triển khai thực hiện Đề án.