Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới khi tỉnh này đang xúc tiến triển khai nhiều dự án quy mô lớn trong thời gian tới.
Khu vực thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới
Tạo ra nhiều việc làm mới
Nhiều quy hoạch quan trọng tại Khánh Hòa đang được thẩm định và phê duyệt, qua đó mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho người dân địa phương.
Trong đó, quy hoạch khu đô thị mới Cam Lâm sẽ góp phần tạo nên một không gian đô thị hiện đại, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân địa phương, vùng lân cận và thu hút đầu tư từ các địa phương khác đến.
Quy hoạch này sẽ đáp ứng mục tiêu khai thác, sử dụng đất có hiệu quả gắn liền với việc phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Cam Lâm cũng như tỉnh Khánh Hòa.
Cùng với đó là tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, tăng tỷ lệ đô thị hóa, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế thương mại, dịch vụ, làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, văn hóa xã hội đáp ứng nhu cầu an sinh cho người dân.
Ngày 21/3 vừa qua, UBND huyện Cam Lâm đã chỉ đạo triển khai Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Cam Lâm.
UBND huyện Cam Lâm đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động nghiên cứu Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Cam Lâm.
Mục tiêu của đề án là giúp những người lao động bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa được học nghề, có việc làm, có thu nhập và cuộc sống tốt hơn. Đồng thời đảm bảo cung cấp nhân lực qua đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đề án được duyệt, dự kiến nguồn vốn cho vay hỗ trợ đào tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 700 tỉ đồng (bao gồm nguồn vốn địa phương và nguồn vốn Trung ương).
Bên cạnh quy hoạch nêu trên, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua cũng đã định hướng nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử, tỉnh Khánh Hòa xác định phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo hai khu vực, với dự kiến sẽ thu hút nhiều dự án lớn và tạo ra nhiều việc làm mới trên các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp.
Theo đó, khu vực Bắc Vân Phong sẽ phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Phát triển du lịch biển cao cấp để khai thác tối đa lợi thế về vị trí, cảnh quan khu vực.
Tại khu vực này cũng sẽ kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững của ngành du lịch.
Tại khu vực Bắc Vân Phong cũng sẽ xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang; phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần. Riêng khu vực Nam Vân Phong sẽ phát triển trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển.
Tại đây sẽ tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, đóng tàu, công nghiệp chế biến.
Việc triển khai các dự án cao tốc đang mở ra nhiều vùng đất phát triển mới tại Khánh Hòa (ảnh minh họa)
…và những vùng đất phát triển mới
Theo quy hoạch vừa được thông qua, tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển kinh tế – xã hội theo bốn trục hành lang kinh tế.
Trong đó, hành lang kinh tế Bắc Nam là hành lang kinh tế chủ đạo của Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc Nam, kết nối ba vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không.
Thứ hai là hành lang kinh tế Đông Tây trên cơ sở trục giao thông Đông Tây gồm quốc lộ 26, quốc lộ 26B và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Trục hành lang kinh tế này sẽ kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang – Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.
Thứ ba là hành lang Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh trên cơ sở quốc lộ 27C. Hành lang kinh tế này sẽ tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ thành phố Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp.
Cuối cùng là hàng lang Cam Ranh, Cam Lâm – Khánh Sơn trên cơ sở tuyến đường ĐT.656. Trục hành lang kinh tế này sẽ kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là thành phố Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển – đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa, kết nối giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Bên cạnh các hàng lang kinh tế nêu trên, việc tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều dự án cao tốc mới cũng sẽ mở ra nhiều vùng đất phát triển mới trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Việc đầu tư dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm bớt gánh nặng cho tuyến quốc lộ 1 và các tuyến song hành, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao.
Mặt khác, việc đầu tư dự án còn nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.
Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 5.333 tỉ đồng.
Việc đầu tư dự án này sẽ góp phần hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư.
Bên cạnh đó là kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.