GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng kết thúc sớm các cuộc thanh tra dự án của doanh nghiệp địa ốc là một giải pháp cấp bách gỡ khó cho thị trường.
Khó khăn của thị trường địa ốc vừa qua, theo các chuyên gia, đã tạo hệ luỵ lên nền kinh tế bởi đây là ngành có sức lan toả, tác động đến nhiều ngành nghề. Đây được xem là điểm nghẽn cần đột phá nhằm hướng đến lành mạnh hoá thị trường tiền tệ, vốn, phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xi măng, thép, giải quyết được việc làm.
Tại hội thảo về triển vọng kinh tế 2023 ngày 21/4, GS. TS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng điều cấp bách trong năm nay là giải quyết hai nút thắt gồm pháp lý và tài chính trên thị trường địa ốc.
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Media Quốc hội
Về pháp lý, ông nói cần sớm kết thúc thanh tra, xử lý đối với các dự án bị tạm dừng để doanh nghiệp tiếp tục triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường.
“Hiện có rất nhiều dự án vì bị thanh tra nên phải dừng lại, nhà đầu tư có mua cũng bị dừng”, ông nói. Theo ông, lý thuyết không chấp nhận hợp pháp hoá các sai phạm, nhưng cơ quan chức năng phải hiểu xử lý các dự án bất động sản không dễ, cần có những hành động phù hợp hơn.
Ông Cường cho rằng nên tập trung giải quyết các vướng mắc pháp lý từ trung ương đến địa phương bằng cách thành lập các ban xử lý. Trong đó, các hướng dẫn phải cụ thể, không nói chung chung “làm theo quy định” trong bối cảnh quy định vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, theo ông Quốc hội cần đưa ra một nghị quyết tức thời, trong đó có lựa chọn, vận dụng luật pháp khi có mâu thuẫn. “Chúng ta cần xử lý ngay các bất cập mà không cần chờ các Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở”, ông nêu quan điểm. Bởi các luật này để được phê duyệt và đi vào cuộc sống cần có độ trễ một đến vài năm, trong khi vấn đề trên thị trường địa ốc cần ngay những giải pháp cấp bách, tương tự chính sách thời chống dịch.
Về tài chính, ông Hoàng Văn Cường kiến nghị có giải pháp kiểm soát việc cho vay đầu cơ bất động sản; chỉ cho vay các dự án có khả năng thanh khoản và kiểm soát dòng tiền. Việt Nam cũng có thể cân nhắc việc cho phép chuyển đổi trái phiếu doanh nghiệp thành trái phiếu có khả năng chuyển đổi sản phẩm.
Bên cạnh đó, ông cho rằng với những dự án bất động sản có vị trí quan trọng, Chính phủ nên xem xét mua lại trái phiếu để tránh rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. “Vừa qua, thực tế đã có một số quỹ ngoại mua lại dự án của doanh nghiệp trong nước. Điều này không tốt cho phát triển thị trường cũng như những vấn đề an ninh”, ông nói và cho biết số trái phiếu này Chính phủ sau đó có thể bán lại cho các công ty quản lý nợ để có nguồn vốn phát triển dự án.
Trong dài hạn, để quản lý thị trường, chuyên gia này cho rằng nên bắt buộc đăng ký giao dịch đất, nhà ở. Theo đó, những giao dịch không đăng ký sẽ không được bảo hộ; bất động sản vi phạm không đăng ký, do người khác đứng tên hộ người không được mua hoặc trốn kê khai tài sản sẽ bị thu hồi. Điều này sẽ tránh được tình trạng thất thu thuế, giảm hiện tượng bơm, thổi giá.
Việc giao dịch bất động sản cũng cần được thực hiện qua sàn. Một mặt, việc này sẽ giúp người mua có đầy đủ thông tin, giá cả hàng hoá. Mặt khác, sàn sẽ giúp nhà nước quản lý thị trường tốt hơn khi có trách nhiệm xác nhận và chịu trách nhiệm về các thông tin để tính thuế, đăng ký biến động, dự báo thị trường.
Trước đó, nghiên cứu của nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá năm 2022 là năm các doanh nghiệp ngành địa ốc gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tuyên bố phá sản tăng gần 39% so với cùng kỳ 2021. Quy mô doanh thu bình quân của doanh nghiệp giảm mạnh trong khi tổng tài sản bình quân tăng mạnh, chủ yếu do tăng nợ. Khả năng sinh lời cũng suy giảm mạnh trong 5 năm qua.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn trên thị trường bị tắc nghẽn, lãi suất tăng nhanh. Hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với vấn đề tài sản xấu đi còn thị trường trái phiếu tồn tại nhiều vấn đề bất ổn.
Đức Minh