Biên phòng – Bạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, công tác giảm nghèo được các cấp tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm, nhiều chính sách, chương trình hành động thiết thực, giải pháp hiệu quả được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư và khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng, công tác giảm nghèo đã tạo được tính lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Lao động nghèo được giải quyết việc làm ở Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu. Ảnh: Phương Nghi
Chung tay chăm lo hộ nghèo
Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương với nhiều hình thức, phương thức và luôn đổi mới trong việc triển khai thực hiện, với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bạc Liêu đã xây dựng gần 80 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế để hỗ trợ cho gần 3.000 hộ được hưởng lợi, với các mô hình sản xuất như nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nuôi heo, trồng hoa màu kết hợp chăn nuôi, nuôi dê, nuôi sò huyết, nuôi gà, nuôi cá bống tượng…
Thông qua các mô hình tạo sinh kế trên, đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; đồng thời, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế địa phương…
Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện các chính sách chung, các địa phương trong tỉnh còn linh hoạt triển khai các chính sách, mô hình riêng như đối với hộ nghèo vùng nội ô không có đất sản xuất thì hỗ trợ phương tiện, nguồn vốn, giúp họ có thu nhập ổn định. Đối với người trong độ tuổi lao động thì đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty trong và ngoài địa bàn. Còn đối với hộ nghèo ở các vùng nông thôn, ngoài hỗ trợ tiền, giúp xây nhà, chúng tôi sẽ hướng dẫn, tập huấn thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng gia đình”.
“Có thể thấy, chính sự mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong việc thực hiện các biện pháp giảm nghèo đã từng bước nâng cao đời sống, tư duy cho người nghèo, từ đó, công tác này đã đạt được hiệu quả cao và bền vững. Nếu như cuối năm 2020, toàn tỉnh Bạc Liêu có 1.061 hộ nghèo (chiếm 0,47%) và 5.212 hộ cận nghèo (chiếm 2,33%), thì đến đầu năm 2022, còn 11.493 hộ nghèo (chiếm 5,09%) theo tiêu chí nghèo đa chiều; 14.755 hộ cận nghèo (chiếm 6,54%). Trong năm 2022, đã giảm được 4.264 hộ nghèo; hộ nghèo đến đầu năm 2023 giảm còn 3,19% (với 7.229 hộ); hộ cận nghèo giảm còn 5,32% (với 12.022 hộ)” – bà Giang thông tin.
Để đạt được kết quả quan trọng trên, phải ghi nhận sự chung tay của toàn xã hội cùng chăm lo cho hộ nghèo, nhất là phát huy vai trò, tính tiền phong của các sở, ban, ngành và cán bộ, đảng viên. Riêng năm 2022, các đơn vị, địa phương nhận giúp đỡ trên 2.400 hộ nghèo với số tiền trên 12 tỷ đồng để mua con, cây giống, phương tiện làm ăn phục vụ chăn nuôi, sản xuất, mua bán để tăng thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững… Thông qua các mô hình giảm nghèo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều
Thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc nội dung Nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Mô hình nuôi dê từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của hộ gia đình chị Trần Thanh Nhàn, ấp Vĩnh Ðiền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đạt hiệu quả, giúp gia đình thoát nghèo. Ảnh: Phương Nghi
Mục tiêu tổng quát của Chương trình giảm nghèo từ nay đến năm 2025 của Bạc Liêu là thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo phương pháp tiếp cận đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: UBND tỉnh Bạc Liêu mới triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, với tổng nguồn vốn thực hiện trên 235 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 205 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 30,7 tỷ đồng. “Bạc Liêu phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 1%. Trong đó, hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng” – ông Duy nói.
Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu tăng cường hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi). Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 100 mô hình, dự án giảm nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Trên 40.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Trên 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh…
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, trong giai đoạn tiếp theo, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền cho hộ nghèo ý thức tự vươn lên, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Tăng cường mở rộng thị trường và đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Mặt khác, tận dụng các nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội, hỗ trợ phương tiện sản xuất, xây dựng các chương trình nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho hộ nghèo.
Phương Nghi