Đơn vị tư vấn đề xuất mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi (Hà Nội) để tích hợp nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia.
Tích hợp tổ hợp ga Ngọc Hồi
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội mới đây đã có báo cáo UBND Thành phố Hà Nội việc rà soát hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Theo báo cáo, Sở GTVT thống nhất giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND TP.Hà Nội thống nhất với Bộ GTVT vào tháng 12/2018 (phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch GTVT Thủ đô và được UBND tỉnh Hà Nam thống nhất).
Về vị trí nhà ga, theo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam do Bộ GTVT đề nghị UBND thành phố Hà Nội góp ý trước đây, dự kiến bố trí Depot đầu tuyến tại huyện Thường Tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6 km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85 ha).
Qua rà soát quy hoạch, đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất tư vấn thiết kế thống nhất nên mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia.
Khu vực tổ hợp ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) đã được Hà Nội giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 (hình:VGP)
Liên ngành nhận thấy cần tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi làm cơ sở để thành phố Hà Nội rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan; tăng diện tích phát triển đô thị hai bên Vành đai 4.
Liên ngành cũng thống nhất với đề xuất của tư vấn thẩm tra, trên địa bàn Hà Nội xem xét bố trí 1 vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2 trong tương lai. Định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, với kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200 – 250 km/giờ, tốc độ khai thác khoảng 200 km/giờ.
Phương án thiết kế và huy động vốn
Tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và Bộ GTVT thống nhất chọn phương án khai thác tốc độ 180 – 225 km/giờ để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 64,8 tỉ USD.
Phương án này xây mới tuyến đường sắt để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới và có khả năng tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam trong tương lai; tạo không gian phát triển kinh tế – xã hội; kết nối vận tải hàng hóa thuận lợi; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển, các trung tâm sản xuất hàng hóa.
Hình minh họa
Về phương án huy động vốn Bộ KH-ĐT ủng hộ phương án huy động vốn đầu tư dự án từ nguồn đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga (TOD); vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.
Về mô hình thực hiện Dự án, Bộ KH-ĐT kiến nghị triển khai theo hình thức PPP (đối tác công – tư). Trong đó, đối tác công sẽ huy động 80% vốn đầu tư từ ngân sách công. Đối tác tư tham gia 20% vốn đầu tư, được đối tác công lựa chọn và nhượng quyền khai thác trong 1 thời hạn nhất định
Về kế hoạch tiến độ, nếu phương án xây mới tuyến đường được phê duyệt, dự án sẽ được triển khai thành 3 giai đoạn: từ 2025-2032 đầu tư đoạn TP.HCM – Nha Trang (kết nối với sân bay Long Thành).
Sau giai đoạn 1 sẽ tổng kết đánh giá, hoàn thiện công nghệ xây dựng, quản lý khai thác để rút kinh nghiệm, rút ngắn thời gian triển khai giai đoạn tiếp theo. Từ 2030 – 2035, đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh và từ 2035-2045 sẽ đầu tư đoạn Vinh – Nha Trang.
Cùng là Trung Quốc sản xuất, đường sắt Cát Linh – Hà Đông khác đường sắt của Lào như thế nào?