Ngày 10.5, thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, qua công tác thống kê, rà soát của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, xác định hiện nay toàn tỉnh đang có 2.713 trường hợp lao động trái phép ở nước ngoài.
Lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền người dân không xuất cảnh lao động trái phép
Trong 2.713 trường hợp trên, có 1.906 trường hợp xuất cảnh trái phép; 648 trường hợp hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động hoặc vi phạm hợp đồng lao động, vẫn ở lại lao động bất hợp pháp; 159 trường hợp lợi dụng xuất cảnh du học, du lịch, thăm thân để trốn ở lại lao động trái phép.
Riêng tình trạng người dân xuất cảnh lao động trái phép tại Campuchia, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa còn 124 người. Trong đó, 50 người làm việc tại các casino, cơ sở kinh doanh trực tuyến trá hình ở Campuchia do người Trung Quốc làm chủ.
Đáng chú ý, trước đây chỉ xuất hiện tình trạng người dân bị dụ dỗ, lừa bán vào làm việc trong các casino ở Campuchia, hiện đã xuất hiện việc người dân bị lôi kéo, mua bán vào làm việc trong các casino ở Myanmar, Philippines, Lào. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện có 14 trường hợp bị dụ dỗ, bán vào làm việc các casino ở Myanmar, Philippines, và Lào.
Thủ đoạn của các đối tượng môi giới, dụ dỗ, lôi kéo người dân đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài là lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, trung tâm môi giới xuất khẩu lao động để giới thiệu cho người dân về “việc nhẹ, lương cao”, thu nhập từ 20 – 70 triệu đồng/người/tháng. Trong khi, chi phí cho việc xuất cảnh chỉ mất từ 15 – 20 triệu đồng.