Hội nghị Thượng đỉnh G7 thảo luận một loạt vấn đề nóng toàn cầu


Các đại biểu tham dự cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản) ngày 21/5/2023. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc chiều 21/5 sau ba ngày làm việc. Cùng với tám quốc gia khách mời, hội nghị thượng đỉnh G7 lần này đã thảo luận một loạt vấn đề nóng trên thế giới.

Vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân được xem là chủ đề chính của chương trình nghị sự thượng đỉnh G7 lần này, với thông điệp được truyền tải từ chính lựa chọn địa điểm – thành phố Hiroshima, nơi đầu tiên trên thế giới hứng chịu sự tàn phá của bom nguyên tử.

Các nhà lãnh đạo G7 đã công bố Tầm nhìn Hiroshima về Giải trừ Vũ khí hạt nhân, nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì thế giới không sử dụng vũ khí hạt nhân sau 77 năm kể từ ngày xảy ra vụ Mỹ ném bom hạt nhân xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945.

Trong phiên họp về an ninh và ngoại giao, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về các biện pháp để khôi phục tiến trình giải trừ hạt nhân và tăng cường sự minh bạch của các lực lượng hạt nhân.

Thông cáo chung G7 công bố ngày 20/5 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các nỗ lực tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị chiều 21/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh Hội nghị Thượng đỉnh G7 là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Sự tham dự của lãnh đạo các nước đang phát triển và mới nổi tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng đã cho thấy ưu tiên của nước chủ nhà Nhật Bản nói riêng và G7 nói chung trong hợp tác với các nước Nam Bán cầu cùng giải quyết các thách thức toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo G7 đã có ba phiên họp mở rộng với lãnh đạo của tám quốc gia được mời gồm Việt Nam, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Quần đảo Cook và Comoros.

Thông qua diễn đàn này, các bên đã thảo luận về các vấn đề toàn cầu, trong đó có an ninh năng lượng và lương thực, y tế toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Mặc dù G7 chiếm tới 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong những năm 80 của thế kỷ trước, song trong những năm gần đây, con số này đã giảm xuống còn dưới 50%.

Trong khi đó, sự hiện diện của các nước đang phát triển và mới nổi trong cộng đồng quốc tế đang ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực.

Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng các phiên họp với lãnh đạo các nước đang phát triển và mới nổi đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì G7 không thể một mình giải quyết các vấn đề quốc tế.

Giới chuyên gia nhận định đây là cơ hội để G7 tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển và mới nổi.

Thủ tướng Kishida bày tỏ mong muốn xây dựng một mạng lưới quốc tế bao trùm và cùng chung quan điểm về tầm quan trọng của “quy định của luật pháp, kiên quyết phản đối bất cứ nỗ lực sử dụng vũ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng.”

Nhật Bản dự định tăng cường quan hệ với nhóm quốc gia này với chủ trương tiếp cận một cách thận trọng và đề nghị “những lợi ích thực tế” như viện trợ phát triển hạ tầng và lương thực.

Nhật Bản dự kiến xúc tiến thực thi quy định của luật pháp thông qua đối thoại và xây dựng quan hệ trên cơ sở lòng tin.


Các đại biểu tham dự cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản) ngày 21/5/2023. Ảnh: TTXVN

Trong các phiên thảo luận tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thịnh vượng, an ninh, bao trùm, dựa trên quy định của pháp luật và bảo vệ các nguyên tắc chung gồm chủ quyền, hội nhập, giải quyết hòa bình các tranh chấp…

Tại Hiroshima, các nước G7 cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine, kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. Các nhà lãnh đạo G7 cũng khẳng định sẽ tăng cường trừng phạt Nga, nhằm ngăn chặn Nga sở hữu các vật liệu cần thiết phục vụ cho chiến tranh cũng như tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, đồng thời giảm sự phụ thuộc của quốc tế vào nguồn năng lượng của Nga.

Trong quan hệ với Trung Quốc, G7 bày tỏ mong muốn có mối quan hệ “ổn định và mang tính xây dựng.”

Các nhà lãnh đạo G7 xác định sự cần thiết của việc đối thoại và hợp tác với Trung Quốc, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Thông cáo chung của G7 bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc đơn phương sử dụng các hành vi sử dụng vũ lực hay cưỡng ép để thay đổi hiện trạng.

Đối với vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI), G7 nhất trí với sáng kiến nhằm xây dựng các quy định quốc tế về AI. Các nhà lãnh đạo đã đồng ý với đề xuất của Nhật Bản về lập cơ chế để xúc tiến đối thoại cấp chính phủ về các quy định đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Được đặt tên là Tiến trình AI Hiroshima, sáng kiến này nhằm tập hợp quan điểm của các nước G7 về quy định đối với lĩnh vực công nghệ. Hội nghị Thượng đỉnh G7 cũng đã thảo luận về tiềm năng và rủi ro của AI, trong đó có ứng dụng ChatGPT đang gây tranh cãi.

Hiện nay, giữa các nước G7 có sự khác biệt về quy định đối với AI và các cuộc thảo luận tại Nhật Bản đã tập trung vào việc làm thế nào để có thể ứng dụng AI một cách hiệu quả nhất.

Đối với vấn đề chuỗi cung ứng, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các mặt hàng khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài quốc gia.

G7 cũng nhất trí sẽ lập một hội đồng có nhiệm vụ chống lại các hành vi “cưỡng ép về mặt kinh tế” như sử dụng các hạn chế về thương mại và đầu tư để gây sức ép với nước khác.

Theo TTXVN