Trần Hoàng Nam vừa học ở trường công, vừa học trước các môn Advanced Placement (AP) của bậc đại học, hy vọng tăng khả năng trúng tuyển các trường Mỹ.
Nam là học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM). Từ lớp 11, em bắt đầu tìm hiểu và định hướng du học Mỹ ngành Marketing. Ngoài SAT, Nam được biết nếu có chứng chỉ AP, chương trình xếp lớp nâng cao dành cho học sinh THPT của Mỹ ở một số môn học, sẽ tăng khả năng trúng tuyển và học bổng.
Em tìm kiếm tài liệu, đề thi mẫu để tự học và ôn luyện. Kết quả, em có chứng chỉ AP ở môn Kinh tế vĩ mô, Toán giải tích với điểm số 5/5 và môn Thống kê 4/5. Hiện Nam chờ kết quả nộp vào Đại học Cornell, Đại học Pennsylvania và Đại học New York.
Cũng có định hướng du học, Trần Phương Anh (đổi tên), học sinh một trường chuyên ở Hà Nội, học thêm AP tại trung tâm từ năm lớp 10. Em đã thi bốn môn, đều đạt điểm 4 hoặc 5/5. Ngoài ra, Phương Anh cũng thi sẵn TOEFL, SAT và duy trì điểm trung bình học tập (GPA) trên 9.
Trần Hoàng Nam, lớp 12 Anh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM. Ảnh: NVCC
Hoàng Nam và Phương Anh là hai trong ngày càng nhiều học sinh Việt Nam đang nỗ lực học trước và thi lấy tín chỉ môn học đại học ngay từ phổ thông, nhằm làm nổi bật hồ sơ và tăng cơ hội được nhận vào các đại học Mỹ.
AP được cung cấp bởi tổ chức College Board, cũng là đơn vị tổ chức các kỳ thi SAT, gồm các khóa học có nội dung tương đương với các khóa cơ bản trong năm đầu ở bậc đại học, giúp học sinh làm quen và có cơ hội hoàn thành một số tín chỉ đại học sớm. Chương trình AP có 38 môn gồm 7 lĩnh vực, trong đó có Nghệ thuật, tiếng Anh, Khoa học, Toán và Khoa học máy tính.
Ở Việt Nam, mỗi môn AP được học trong 15 tuần (3,5 tháng) với học phí 10 triệu đồng. Lệ phí thi 5-7 triệu đồng một môn tùy từng trường tổ chức thi. Theo College Board, Việt Nam có 20 trường phổ thông dạy chương trình AP. Từ năm 2018 đến nay, số học sinh Việt Nam theo học tăng hơn 200%, chạm mức gần 1.100 em.
Ông Trần Việt Hưng, sáng lập kiêm giám đốc học thuật của 7Astar Tutoring, chuyên giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế như SAT 2, ACT, AP, IB và A-level, cho hay trung tâm bắt đầu dạy AP từ năm 2016 chỉ với 15 học sinh. Số học sinh tăng gấp 2-3 lần mỗi năm sau đó. Đợt dịch Covid, sĩ số chững, nhưng đang tăng trở lại trong năm nay, với khoảng 200 em ở Hà Nội và TP HCM.
Ông Haike Zhao, đại diện College Board, trong buổi chia sẻ về bài thi AP ở Hà Nội hồi đầu tháng 11/2022, cho biết kết quả bài thi AP được hơn 3.300 cơ sở giáo dục ở 60 quốc gia chấp nhận.
Sách luyện thi AP trong đó có các môn Thống kê, Hóa, Tâm lý học, Kinh tế vi mô và vĩ mô. Ảnh: Shevani Tewari
Theo nghiên cứu của College Board, 85% trường cao đẳng và đại học ở Mỹ cho biết trải nghiệm chương trình AP của học sinh ảnh hưởng tới quyết định nhận ứng viên vào học. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mỹ, người từng tham gia ban tuyển sinh Đại học George Washington, Mỹ, cho biết chương trình AP khó hơn các lớp tiêu chuẩn, nên việc học sinh tham gia sẽ gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh, có thể được miễn tín chỉ đại học, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian học.
Ông Trần Hữu Phúc Tiến, giám đốc công ty Hợp điểm chuyên về Anh văn và Du học, đại diện tuyển sinh của nhiều đại học, trung học của Mỹ, Australia, New Zealand và Singapore, giải thích ở Mỹ không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Các bang và học khu của từng địa phương tự quyết định có tổ chức thi tốt nghiệp cuối cấp hay không.
Do vậy, để xác định năng lực học sinh đến từ nhiều chương trình học và thi đa dạng ở các bang khác nhau, các đại học top ở Mỹ cần đến điểm thi của các kỳ thi chuyên biệt như SAT, AP. Nhiều trường đại học top của các nước tiên tiến cũng áp dụng cách làm này.
Những em học các chương trình quốc tế không nhất thiết phải giỏi tiếng Anh nhưng phải có mục tiêu rõ ràng. Ông Hưng cho hay các môn được học sinh Việt Nam chọn nhiều liên quan Toán giải tích, Thống kê, Lý cơ học, Lý điện từ, Hóa, Sinh cùng một số môn Khoa học xã hội như Kinh tế vĩ mô, Kinh tế vi mô và Tâm lý học.
Tuy nhiên việc học trước, dù ở cấp học nào, cũng luôn có mặt trái. Với học sinh trường công, việc vừa học chương trình chính khóa vừa tham gia các chương trình quy đổi tín chỉ như AP có thể gây quá tải, dẫn đến căng thẳng, trầm cảm, chán nản. Học sinh không có đủ thời gian để làm các hoạt động khác, trong khi với các trường đại học ở Mỹ, hội đồng tuyển sinh coi trọng hoạt động ngoại khoá, không chỉ quan tâm đến điểm số đơn thuần.
Nam thừa nhận việc vừa ôn luyện AP vừa theo chương trình học ở trường khiến em đôi lúc cảm thấy đuối. Em dành thời gian cuối tuần để học các môn AP và học lần lượt từng môn chứ không ôm đồm 3 môn một lúc.
Thời điểm thi AP diễn ra vào tháng 5, trùng với thi học kỳ ở các trường công lập. Phương Anh phải ôn lại bài và nhanh chóng làm đề ngay sau các buổi học ở trung tâm. Tới lúc thi, em sẽ chỉ xem qua một lượt.
Đa số học sinh có nhu cầu du học đều tính toán thi các chứng chỉ quốc tế, nhưng không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện, năng lực để thi. Nhiều phụ huynh khi nghe đến lợi ích của những chương trình này đã ép con mình phải học, thi tạo áp lực lên con cái.
Một kế hoạch khả thi về tài chính, năng lực và thời gian là rất cần thiết cho cả học sinh và phụ huynh và học sinh để tránh lãng phí, chuyên gia tư vấn du học Phúc Tiến khuyến cáo. “Không nên thi theo phong trào, thi nhiều thứ quá sức mình”, ông nói.
Bình Minh – Nhật Lệ