Tham gia chương trình trực tuyến trên có: Lê Yên Thanh, là một trong 6 đại diện của Việt Nam được vinh danh trong Forbes 30 under 30 châu Á năm 2022; chàng trai Lê Nhật Tường, tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM; Võ Lập Phúc, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, cũng đồng thời là thủ khoa toàn quốc khối D14, là sinh viên 5 tốt cấp T.Ư năm 2022, giải thưởng Sao Tháng Giêng toàn quốc năm 2022.
Buổi trực tuyến nằm trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Cần có đam mê và nền tảng tốt
Mở đầu buổi trực tuyến, Yên Thanh chia sẻ mình luôn muốn trở thành lập trình viên từ thời học sinh nên đã theo đuổi ngành công nghệ thông tin, khi ra trường Thanh có cơ hội làm việc ở nhiều công ty lớn để trau dồi thêm, trong đó đã từng được thực tập ở Google.
Thanh kể lại: “Ngày xưa mình thích chơi game nhưng chơi rất tệ, vì thế mà mình đã ăn gian bằng cách dùng phần mềm để chỉnh cho số điểm game cao hơn, mình bắt đầu tò mò về các phần mềm, tại sao có thể làm được những điều hay như vậy… Nhờ sự tò mò đó mình mới tìm hiểu về lập trình và hiểu rằng để làm được điều đó thì phải có những lập trình viên viết phần mềm. Từ đó, mình có đam mê và đặt mục tiêu từ thời học sinh sẽ học giỏi các môn tự nhiên để có thể theo học ngành công nghệ thông tin và sau này có thể trở thành lập trình viên”.
Lê Yên Thanh, Lê Nhật Tường và Võ Lập Phúc tại chương trình trực tuyến tiếp sức mùa thi
Yên Thanh cho hay ba mẹ của mình là giáo viên dạy toán, nên bản thân được trang bị tốt về nền tảng kiến thức của môn này. “Công nghệ thông tin liên quan đến lập trình, thuật toán và toán học bổ trợ rất nhiều. Nhờ nền tảng toán học nên khi bắt đầu làm quen với công nghệ thông tin mình không gặp quá nhiều trở ngại khi theo đuổi ngành học này. Tất nhiên học ngành này vẫn rất khó, tuy nhiên nếu có đam mê và nền tảng tốt thì đều có thể vượt qua được”, Thanh nói.
Là thủ khoa đầu ra chuyên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, từng được 2 công ty lớn về công nghệ nhận làm việc chính thức với mức lương cao, Lê Nhật Tường chia sẻ đã từng cảm thấy áp lực khi chọn ngành nghề. Bởi trước đây, gia đình có định hướng Tường theo ngành kỹ thuật ô tô, và sẽ mở gara để Tường làm chủ sau khi tốt nghiệp đại học.
“Tuy nhiên, mình thấy bản thân có thế mạnh về công nghệ thông tin, từng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh với những môn khối tự nhiên nên đã quyết định chọn ngành công nghệ thông tin. Ban đầu mình thấy học ngành công nghệ thông tin ở trường khá mơ hồ, chủ yếu học thuật toán. Nhưng dần vào sâu thì mình cảm thấy ngành này có thể tạo ra game, wedsite, những ứng dụng giúp ích cho đời sống hiện nay”, Tường nói.
Lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp là điều mà rất nhiều thí sinh quan tâm
Tường cũng chia sẻ thêm: “Việc mình được hai công ty mời làm việc khi còn ngồi trên ghế nhà trường tất cả đều là cái duyên. Trong tuần đầu tiên đi thực tập, mình được bộ phận tuyển dụng gọi và đưa vào dự án thực tế. Lúc đó, mình hỏi tại sao được chọn, thì người ta bảo có xem qua CV của mình và thấy nổi trội hơn những bạn thực tập khác về các mặt như: điểm số hoạt động phong trào, chưa ra trường đã có kinh nghiệm”.
Một học sinh có hỏi: “Em thích học công nghệ thông tin nhưng học không quá giỏi các môn tự nhiên, cũng chưa biết gì về code, tiếng Anh thì ở mức trung bình, vậy em có thể theo ngành này hay không?”
Tường cho biết ngành công nghệ thông tin không phải bắt buộc phải học giỏi hoàn toàn các môn ở khối tự nhiên. Nhưng đòi hỏi sự tư duy và logic. “Hãy chủ động tìm hiểu xem công nghệ thông tin có gì, giải những bài toán, data để xem mức độ của bạn đến đâu. Thật ra, có những bạn đậu vào ngành nhưng chưa biết gì về code sau đó mới được học tập và tìm hiểu. Có những bạn đã biết về code nhưng cũng phải học lại từ đầu với môn nhập môn lập trình… Còn nói về tiếng Anh, thì cũng chưa thật sự quan trọng đối với những bạn là năm đầu. Tuy nhiên, có những trường yêu cầu tiếng Anh đầu vào thì các bạn hãy chuẩn bị kiến thức tốt để không bị trượt”, Tường khuyên.
Bí quyết để chọn được ngành phù hợp?
Và để có thể có được cơ hội việc làm khi chưa tốt nghiệp ra trường, Tường “bật mí”: “Ở năm nhất đại học, sinh viên thường học những môn đại cương còn môn chuyên ngành thì khá ít. Do đó, các bạn hãy chủ động lên mạng để xem và học những thứ liên quan đến ngành nghề của mình. Bên cạnh đó, cần học thêm kỹ năng giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội do trường tổ chức để rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức…”.
Chia sẻ về câu chuyện ngành “hot”, Lê Nhật Tường cho biết ngành nghề sẽ có những ngành “hot”, và ngành được cho là không “hot” nhưng theo Tường thấy ngành nào hiện nay cũng có tiềm năng về nghề nghiệp.
“Tất cả là phụ thuộc vào bản thân mỗi bạn, nếu chọn học ngành hot nhưng bạn chỉ nằm ở mức trung bình trong ngành học thì cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường của bạn cũng không bằng những bạn nổi trội trong ngành học được cho là không hot”, Tường nhấn mạnh.
Mỗi mùa thi về, bên cạnh áp lực thi cử thì nỗi lo chọn ngành nghề cũng luôn thường trực với thí sinh
Về vấn đề làm sao để chọn ngành phù hợp, thì theo Nhật Tường đầu tiên thí sinh nên tham gia trắc nghiệm tính cách, sẽ có những danh sách ngành nghề phù hợp với mình được liệt kê ra và dựa vào đó để mình cân nhắc. Bên cạnh đó, thí sinh nên lên mạng và tìm kiếm về chương trình đào tạo của trường, của ngành mà mình chọn thi vào, và các bạn có thể bám vào đó để xem những môn học này có phù hợp với mong muốn và sở trường của mình hay không?
“Lớp đại học của mình trước đây có khoảng 50% sinh viên đang học giữa chừng thì nghỉ học, chuyển sang ngành khác. Việc chuyển ngành giữa chừng cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng, vì thế các bạn nên cố gắng lựa chọn đúng từ đầu”, Nhật Tường gửi gắm.
Đồng quan điểm với Nhật Tường, Võ Lập Phúc cho biết ngay từ đầu khi chọn ngành, thí sinh nên xem qua chương trình đào tạo, để biết được là 4 năm đại học chúng ta sẽ phải đối mặt với những gì, và cần phải chuẩn bị những gì? Ngành nào cũng luôn có khó khăn và thách thức, đừng nghĩ rằng đam mê sẽ là chìa khóa duy nhất để mở khóa được những điều mà bạn đang cần.
“Như mình là người rất ngại luật và kinh tế, nhưng học về quản trị đối ngoại không thể nào không học công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và càng không thể nào tránh được nghiệp vụ ngoại thương… Đó là những cái mà chúng ta cần chuẩn bị và đối mặt. Chúng ta đặt ra những vấn đề như vậy để các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn và có thể trả lời câu hỏi là những khó khăn mà bạn gặp phải có thực sự lớn lao, và mang tính cột mốc đến độ mà bạn cần thay đổi ngành nghề hay không? Vì khi thay đổi qua một ngành nghề khác, chắc chắn rằng ngành nghề đó sẽ tiếp tục trưng diện ra những thách thức khác”, Phúc nhắn gửi.
Và Phúc khuyên: “Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế và hài hòa những khó khăn, thách thức với đam mê của mình. Vượt qua những khó khăn, thách thức đó sẽ là động lực để chúng ta vững bước hơn trên hành trình theo đuổi đam mê của mình”.