Hiện thực hóa 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Biên phòng – Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế kỳ vọng, Đề án này sẽ giúp chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa ở ĐBSCL, gắn với việc chuyển đổi tư duy sản xuất ở vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện được mục tiêu “tăng trưởng xanh” bền vững.

ĐBSCL là vựa lúa của cả nước. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24 – 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL đang tồn tại những khó khăn, hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Thể hiện rõ nhất là hiệu quả sản xuất lúa gạo và thu nhập của người trồng lúa thấp; chất lượng lúa gạo, mức độ an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa cao. Đặc biệt là tình trạng thâm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm và tăng phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, thị trường lúa gạo đang chuyển nhanh theo hướng nâng cao giá trị, tập trung vào phân khúc gạo ngon, đòi hỏi nền sản xuất lúa gạo nước ta phải thích ứng biến đổi khí hậu vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng để cạnh tranh.

Từ sau năm 2000, ĐBSCL đã có sự chuyển đổi rõ rệt tư duy sản xuất theo yêu cầu thị trường. Nhiều địa phương tăng diện tích gieo trồng nhóm lúa chất lượng cao. Các giống lúa chất lượng cao đáp ứng thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng trong sản xuất từ 40-45%. Đặc biệt, giống lúa ST24, ST25 đạt phẩm chất gạo ngon nhất thế giới, có giá trị xuất khẩu cao được nông dân sản xuất ngày càng nhiều trên cánh đồng.

Mặc dù vậy, đơn vị sản xuất lúa hiện nay chủ yếu vẫn là hộ gia đình quy mô nhỏ, phân tán, áp dụng phương thức sản xuất truyền thống đang là trở ngại đối với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn…

Thế nên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng, chuyển đổi 1 triệu ha lúa chất lượng cao mở đường cho việc chuyển đổi quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn hợp tác xã, hộ dân, doanh nghiệp… để nâng cao thương hiệu gạo của Việt Nam và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo lộ trình, Đề án bắt đầu triển khai từ năm 2024, tập trung vào khoảng 200.000ha để rút kinh nghiệm. Đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao đạt trên 500.000ha, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa; lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%…

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa lớn đồng nghĩa với việc thu hẹp dần sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của hộ nông dân. Ngoài ra, chúng ta còn giảm được 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới 30%; giảm phát thải khí nhà kính trên 10%…

Với mục tiêu 80% diện tích trồng lúa ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến; 50% diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%…, đòi hỏi vốn đầu tư bình quân 40 triệu đồng trên 1ha lúa chất lượng cao. Tổng đầu tư giai đoạn 2023-2030 lên tới 40.048 tỷ đồng.

Do vậy, ngoài ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khuyến nông, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng logistics, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến lúa gạo.

Hoàng Lâm