Giữa thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng với lượng giao dịch giảm mạnh, UBND tỉnh Lâm Đồng quy định việc tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và lập dự án đầu tư kinh doanh. Song song với đó, tỉnh Lâm Đồng cũng dừng tiếp nhận tài trợ quy hoạch từ các doanh nghiệp, tổ chức.
Giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng bật tăng mạnh trong năm 2021 kéo dài đến quý 2/2022.
Bùng nổ giao dịch
Bộ Xây dựng cho biết, hoạt động của thị trường bất động sản năm 2022 ghi nhận dấu hiệu mang tính bất thường, chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Đơn cử, đầu năm thị trường bất động sản bùng nổ, đặc biệt là phân khúc đất nền có tỷ lệ hấp thụ mạnh. Tuy nhiên đến cuối năm thị trường lại trầm lắng.
Riêng phân khúc đất nền chứng kiến sự bùng nổ mạnh, đặc biệt là tại những địa phương mới nổi, quản lý nhà nước chưa thực sự tốt tạo nên các cơn sốt đất ảo. Những sản phẩm này chủ yếu là tự phát, không thuộc dự án phát triển.
Tại Lâm Đồng, giai đoạn từ năm 2022 trở về trước, thông tin nhiều doanh nghiệp lớn xin đề xuất đầu tư các đại dự án đô thị cộng với việc đầu tư tuyến đường cao tốc Giầu Dây – Liên Khương đã khiến cho thị trường bất động sản Lâm Đồng trở nên sôi động.
Tuy nhiên, trong khi dự án của các “ông lớn” vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch, tài trợ quy hoạch và dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương vẫn chưa khởi công xây dựng thì ngoài thực tiễn đã xảy ra tình trạng lợi dụng hiến đất làm đường, phân lô bán nền tràn lan.
Nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản gây nhiễu loạn thị trường và làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản tại khu vực và tỉnh.
Không những vậy, việc một số cá nhân đã thu gom đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sang đất ở hoặc phân lô đất ở để chuyển nhượng (bán) cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ, tạo nên các khu dân cư mới không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định.
Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 36.549 lô đất nền và 3.035 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng.
Sau những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Lâm Đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cơn sốt hiến đất làm đường tách thửa đất đã tạm lắng xuống.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng vốn tín dụng eo hẹp, cộng với việc lãi suất cho vay ở mức cao đã khiến cho số cho số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng giảm mạnh từ quý 3/2022.
Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho thấy nếu như trong quý 1/2022, trên toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 12.467 giao dịch đất nền, thì sang đến quý 2/2022 lượng giao dịch tăng mạnh lên 19.669 giao dịch.
Bước sang quý 3 và quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền trên địa bàn tỉnh bất ngờ giảm mạnh xuống còn 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch.
Lâm Đồng yêu cầu tách thửa đất nhằm mục đích kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và lập dự án đầu tư kinh doanh.
Chấn chỉnh thị trường
Bên cạnh số lượng giao dịch nhà đất sụt giảm manh, thị trường bất động sản Lâm Đồng được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn mới.
Ngày 29/3/2023, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo dừng tiếp nhận tài trợ ý tưởng quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, kể từ ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng dừng tiếp nhận tài trợ quy hoạch từ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh sẽ bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để tập trung lập các quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Việc UBND tỉnh Lâm Đồng dừng tiếp nhận tài trợ quy hoạch từ các doanh nghiệp, tổ chức sẽ giáng đòn mạnh vào giới đầu cơ nhà đất chuyên ăn theo đề xuất của các “ông lớn” bất động sản.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra quy định mới về việc tách thửa đất nhằm mục đích kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã và thành lập dự án đầu tư kinh doanh.
Động thái này cũng sẽ chấm dứt tình trạng thu gom đất nông nghiệp rồi phân lô, bán nền tràn lan từng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, từ khi áp dụng quy định tại văn bản số 4911/UBND-ĐC ngày 05/7/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tất cả các trường hợp tách thửa chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện không được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận xem xét giải quyết.
Lý do được cơ quan chức năng đưa ra là các trường hợp tách thửa liên quan đến chuyển nhượng là thuộc trường hợp kinh doanh bất động sản nên phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư.
UBND huyện Đạ Tẻh cho rằng việc không xem xét giải quyết hồ sơ tách thửa chuyển nhượng kéo dài sẽ làm giảm hoạt động mua bán đất đai. Bên cạnh đó, người dân không chuyển nhượng được đất nên cũng không có nhu cầu, không có tiền để chuyển mục đích sử dụng đất.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 16/3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo xử lý đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất đây là các dự án kinh doanh bất động sản).
Cụ thể, đối với các khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở theo quy định.
Đối với các trường hợp này, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm nhằm đảm bảo sự nghiêm minh trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư.
Riêng các khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay thì tiếp tục dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng cho đến khi có sự điều chỉnh, bổ sung thống nhất giữa các quy hoạch.
Siêu dự án khu đô thị gần 12.000 tỉ đồng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư
Ngày 27/3/2023, UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) phát đi Báo cáo số 144/BC-UBND về việc cập nhật tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện Đức Trọng. Trong đó có dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim quy mô gần 12.000 tỉ đồng.
UBND huyện Đức Trọng cho biết, ngày 11/1/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về việc phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã thực hiện đăng tải thủ tục mời thầu trên hệ thống mạng đầu thầu quốc gia theo quy định. Sau khi hết thời gian đăng tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án.
Tuy nhiên, qua cuộc họp đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án vào ngày 09/3/2023 thì nhà đầu tư chưa đáp ứng các hồ sơ về yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.
Do đó, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng tiếp tục gia hạn thời gian đăng ký thực hiện dự án trên hệ thống mạng đầu thầu quốc gia theo quy định.