Dự thảo quy định chặt chẽ hơn với đất lấn, chiếm
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty luật TGS chia sẻ về góp ý Điều 137, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định: “Công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất”.
Khu đất 32ha trên địa bàn huyện Tuy Đức, Đắk Nông bị 53 trường hợp lấn chiếm, buộc chính quyền phải cưỡng chế
Theo ông Tuấn, khoản 1, Điều 137 dự thảo giữ nguyên quy định của Luật Đất đai 2013 hiện hành về công nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 mà không có các giấy tờ về đất, đang thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội (KT-XH) khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã xác nhận đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
“
Điều 137, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Công nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về QSDĐ:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 135 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được công nhận QSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 135 của Luật này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì được công nhận QSDĐ nếu có các điều kiện như sau:
a) Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai;
b) Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được Nhà nước ghi nhận là người đang sử dụng đất tại thời điểm đăng ký, được tạm thời quản lý đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ.
”
Ông Tuấn cho hay, khoản 1 này áp dụng với vùng có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn (thường là địa bàn miền núi) và với đối tượng nông dân, ngư dân, diêm dân đang trực tiếp sản xuất trong những lĩnh vực có giá trị không cao, cần được bảo vệ.
Đối với trường hợp còn lại (không thuộc vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện khó khăn nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối) thì áp dụng khoản 2, Điều 137. Quy định này của dự thảo quy định chặt hơn so với quy định của Luật Đất đai 2013 hiện hành.
Theo đó, dự thảo chỉ cho phép công nhận QSDĐ nếu đáp ứng điều kiện: Không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai (với đất phi nông nghiệp thì còn phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn).
Theo quy định này của dự thảo, đã loại bỏ trường hợp lấn, chiếm đất; trường hợp này sẽ không được công nhận QSDĐ. Cùng với cách hiểu và giải thích từ ngữ trong dự thảo, thì “chiếm đất” là trường hợp tự ý sử dụng đất do Nhà nước quản lý hoặc đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được cho phép; sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn mà không được gia hạn và đã có quyết định thu hồi đất nhưng không chấp hành. Còn “lấn đất” là hành vi chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cho phép.
Như vậy, trên thực tế, hầu như các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về QSDĐ hiện nay đều thuộc trường hợp “lấn, chiếm đất” (do hệ quả của quá trình khai hoang, du canh, di cư…). Trường hợp này vẫn có thể được xem xét cấp “sổ đỏ” theo Luật Đất đai hiện hành nhưng sẽ không được cấp “sổ đỏ” theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Riêng tại khoản 3, Điều 137 Dự thảo quy định, nếu hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ và không được công nhận QSDĐ thì được Nhà nước ghi nhận là người đang sử dụng đất tại thời điểm đăng ký, được tạm thời quản lý đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ.
Luật sư Tuấn nhận định, quy định này vô hình trung bỏ ngỏ, giao cho Chính phủ ban hành nghị định, càng “đẻ” thêm nhiều quy định dưới luật, do đó đề nghị khoản 3 này phải quy định cụ thể hướng xử lý là như thế nào?
26% số vụ vi phạm liên quan đến lấn, chiếm đất đai
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2020 đến năm 2022, toàn ngành đã triển khai 4.727 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 12.826 tổ chức, cá nhân; trong đó thanh tra, kiểm tra đột xuất 1.315 cuộc, chiếm gần 30% số cuộc.
Riêng ở lĩnh vực đất đai, năm qua đã thực hiện 686 cuộc thanh tra, kiểm tra với 1.510 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 16% số đối tượng được thanh tra có hành vi vi phạm. Trong số đó, vi phạm lấn chiếm đất đai chiếm 26%.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, có 4 mánh khóe thường được sử dụng lấn chiếm đất. Theo đó, hình thức dễ thấy nhất là nhà dân ở sát đất công (gần đường, gần các thửa đất hoang, bờ sông, kênh, mương, ao), dẫn đến việc nảy sinh ý định lấn chiếm.
Các hộ gia đình này thường lấn ra vỉa hè, lấn ra đường, bờ ao, đẩy hàng rào ra với phương thức “để lâu hóa bùn”. Có những hộ lấn chiếm được diện tích gấp đôi thửa đất cũ.
Tiếp đến là việc, người dân “nhảy dù” vào các bãi đất hoang, đất công chưa sử dụng. Với cách thức khai hoang dần khi các thửa đất đó chưa được chính quyền để mắt đến. Người này, người kia dựng lều, lập thành “xóm liều”, từ không thành có.
Hình thức thứ ba là có sự trợ giúp của chính quyền địa phương. Đó là tài sản công nhưng được biến tướng dần. Đất có thể được cho mượn, cho thuê, dần dần chính quyền lờ đi, coi như đó là tài sản riêng, được cấp sổ đỏ. Hình thức này là đất lấn chiếm có sự tiếp tay, “chống lưng” của chính quyền, biến tài sản công thành tài sản tư.
Cuối cùng là việc chính quyền thu hồi đất của dân với diện tích lớn hơn dự án. Sau đó, phần đất thừa ra để lại, được biến tướng, giao cho người khác. Hình thức này thông qua cơ chế thu hồi đất có tổ chức lấn chiếm, có sự tiếp tay của chính quyền với sự tham gia của nhiều người, dẫn đến việc khiếu kiện của những hộ dân có đất bị thu hồi. Ông Võ cho rằng, pháp luật cần cần mạnh tay xử lý, thu hồi đất lấn chiếm, đặc biệt là những đất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.