Hệ lụy từ việc khan hiếm lao động nghề biển ở các tỉnh phía Nam (bài 2)

Biên phòng – Nhiều năm trước, thanh niên miền biển ồ ạt đổ vào vùng đất hứa là Bà Rịa-Vũng Tàu để đi biển, đổi đời. Còn hiện nay, do ngư trường cạn kiệt nên chủ tàu phải căng hết sức mới đủ bù phí tổn mỗi chuyến ra khơi. Khi bạn chài không còn mặn mà với vùng đất hứa, các chủ tàu lại phải “vơ” bạn chài thông qua người mai mối, gọi là “cò”. Các hệ lụy liên quan đến nạn “cò” ngư dân luôn “nóng ran” trên trang nhất của nhiều tờ báo.

Bài 2: Muôn nẻo bạn chài qua “cò”

Kìm chân bạn chài

Đầu năm 2017, tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Phước Tỉnh và chứng kiến đơn vị thực hiện một thủ tục rất đặc trưng ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đó là ngư dân tứ xứ đổ về đây đi biển và trước khi xuống tàu thì phải qua thủ tục chụp ảnh, giấy chứng minh nhân dân, số điện thoại, cùng rất nhiều thông tin liên quan khác. Bạn chài trước khi đi biển rất hào hứng vì được ứng trước một số tiền để gửi về cho gia đình, còn chủ tàu yên tâm khi BĐBP lưu giữ thông tin thuyền viên nên nạn “ứng tiền rồi quỵt nợ”, hoặc đi nhiều tàu để ứng tiền rồi đánh bài “chuồn” đã được kiểm soát.


Thuyền trưởng Bùi Đức Động bên chiếc tàu được cứu nạn vào bờ. Ảnh: Văn Chương

Cuối năm 2022, khi trở lại Phước Tỉnh và Bến Đá, thành phố Vũng Tàu thì không còn chứng kiến cảnh này nữa. Ngư dân Ngô Văn Tùng, ở tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trước kia năn nỉ thì chủ tàu mới cho đi bạn, còn bây giờ, chủ tàu chạy ngược chạy xuôi, vơ vét đủ kiểu, trong đó, hơn 50% phải thông qua “cò” thì mới đủ người đưa xuống tàu để mở biển”.

Thời trước, chủ tàu nhờ BĐBP kìm chân bạn chài, còn bây giờ, chủ tàu chỉ biết cậy nhờ vào “cò” thông qua những tiểu xảo lòng vòng để ngư dân không ứng tiền xong rồi bỏ trốn. Trong hồ sơ nghiệp vụ của Đồn Biên phòng Phước Tỉnh và Bến Đá, BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu có những vụ việc liên quan tới cung cấp ngư dân đi biển thông “cò”, tính chất của các vụ việc này ban đầu đơn giản, nhưng theo thời gian bắt đầu phức tạp dần lên, thậm chí bắt đầu thấp thoáng “dấu hiệu của hành vi mua bán người”.

Ngư dân Lữ Văn Hợi, quê ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An mô tả lại cách bị “giữ chân” rồi đẩy xuống tàu cá đi biển bằng đò ngang để né trạm kiểm soát Biên phòng, đó là khi người của Trung tâm môi giới việc làm Thảo Linh ở thành phố Hồ Chí Minh cho người đưa đón tận nơi. Nhưng “nơi đến” là “cò” có tên Tư Hào. Ông Tư Hào trả tiền xe ôm lên tới 3 triệu đồng, sau đó mua cho một chiếc điện thoại để món nợ tăng lên và chàng trai nghèo này không rút chân ra được.

Còn một số thanh niên khác được “cò” chiêu đãi ăn uống thỏa thích, chơi rất mát tay, vì vậy, món “nợ ăn chơi” trong sổ tăng lên 7-8 triệu đồng. Tới lúc đó thì “cò” đã hợp pháp hóa được việc cầm chân, sau đó đưa vào group zalo của các chủ tàu, thông báo còn nhân lực lao động.

Bạn chài quậy phá

Nhiều năm gần đây, do các chủ tàu tuyển bạn chài qua “cò”, không nắm rõ lai lịch, hoặc nơi này vô tình trở thành điểm để một số thanh niên ngáo đá, giang hồ đến moi tiền các ông chủ tàu đang lâm cảnh khốn khổ vì thu nhập nghề biển thấp, chi phí cao, bạn chài kiếm mỏi mắt không ra được. Khi những ngư dân thuộc loại này lên tàu thì thường đổ cát, đổ đường vào bồn nhớt để “đánh gục” máy tàu, thuyền trưởng phải quay về sớm. Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào cuối năm 2022.

Ngày 15/10/2022, khi đang đánh bắt trên biển, thuyền trưởng Bùi Đức Động, quê ở xã Phước Tỉnh cảm thấy trong người bất an nên đã khởi động máy. Trước đó vài ngày, người thanh niên đi bạn có dáng gầy, khuôn mặt nhọn và cái cằm choắt để lại ấn tượng khó chịu khi thỉnh thoảng lại chửi đổng, nói bóng, nói gió.

Anh Động cài số tới, nhưng dưới hầm tàu cá BV93279TS phát ra âm thanh lực khực giống như máy tàu sắp bị vỡ. Sau đó, anh Động cùng 2 ngư dân Nguyễn Văn Bé Hai, quê ở tỉnh Đồng Tháp và Nguyễn Văn Cơ, quê ở tỉnh An Giang (2 ngư dân đã đồng hành đi bạn trên tàu vài năm nay) chui xuống kiểm tra hầm tàu. Anh Động không quên cái liếc xéo của 3 ngư dân quê ở tỉnh Bạc Liêu. Phiên biển này, cả 3 ngư dân mới lên tàu và được “cò” giới thiệu “tụi này đi biển cũng chuyên nghiệp rồi”.

Tại hầm tàu, dầu nhớt vương vãi khắp nơi và anh Động phát hiện hộp số đã bị kẻ xấu nhét giẻ vào bánh răng truyền. Biết đụng phải các ngư dân hành xử kiểu giang hồ, phá máy tàu để quay vào bờ sớm, anh Động dỗ ngọt bằng lời bóng gió và nói, “ráng đi hết phiên biển 1 tháng thì sẽ cho vô bờ”.


Đồn Biên phòng Phước Tỉnh niêm phong máy tàu BV93279TS bị các ngư dân phá hoại bằng cách nhồi cát vào bồn nhớt. Ảnh: Văn Chương

Hơn 1 tuần sau, anh Động lại “đứng tim” vì máy tàu lần này lại đổ bệnh, không thể khắc phục. Khi chui xuống hầm tàu thì phát hiện ra bồn nhớt đã bị đổ cát. Anh Động cho biết, mỗi giác lưới kéo lên tàu thì bao giờ dưới đáy lưới cũng lẫn một ít cát, đá san hô vụn loại nhỏ như đầu đũa và nhóm đối tượng phá máy tàu đã hốt cát này để nhồi vào bồn nhớt. Con tàu chết máy trôi tự do trên biển.Tàu được kéo vào bờ và ngư dân Nguyễn Vũ Linh, sinh năm 1990, quê ở huyện Đông Hải, thị xã Bạc Liêu thừa nhận với Đồn Biên phòng Phước Tỉnh về việc đã tổ chức phá máy tàu.

Chủ tàu hành bạn chài

Ở các tỉnh phía Nam, thực trạng phổ biến hiện nay là thuyền trưởng sợ bạn chài, nhưng cũng có một số ít trường hợp bạn chài sợ thuyền trưởng, bị đối xử thậm tệ. Vụ án nổi tiếng vào cuối năm 2022, đó là vụ 2 ngư dân Cà Mau đi biển trên tàu cá BT97993TS ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau và bị ngược đãi, hành hạ, thương tích của các ngư dân này là gãy xương sườn, bị nhổ răng, kẹp kìm vào nhiều bộ phận trên người.

Thông thường, những ngư dân bị “cò” chuyển giao lại cho chủ tàu thì thân phận của họ trở nên bèo bọt hay được đãi ngộ tốt tùy thuộc vào đạo đức của thuyền trưởng. Đồn Biên phòng Bến Đá từng thụ lý vụ việc anh Lê Văn Tuấn, sinh năm 1996, quê ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và anh Yninie, sinh năm 1998, quê ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Vì muốn thoát khỏi tàu cá nên đã nhảy xuống biển. Tháng 7/2022, đơn vị này cũng thụ lý và giải cứu anh Lê Hoàng Giang, một người nghèo bán vé số tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nhưng bị đối tượng môi giới, lừa đảo đưa xuống đi biển.

Theo chia sẻ của anh Giang, vì cùng quẫn nên anh nhảy xuống biển tự tử nhưng không chết. BĐBP sau đó đã điều tra ra đối tượng lừa anh Giang đi biển tên là Danh Hạnh, sinh năm 1980, địa chỉ thường trú tại 329/1A Trần Khánh Dư, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và đã chuyển giao hồ sơ cho Công an huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục điều tra mở rộng.

Trung tá Bùi Huy Trung, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh cho biết, sau khi tiếp nhận tin báo từ ngư dân, đồn Biên phòng đều khẩn trương tiến hành xác minh và hoàn tất hồ sơ, chuyển giao cho Công an huyện Long Điền điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng có liên quan.

Lê Văn Chương