Ngày 8/3/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa phát đi Tờ trình số 2048/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc thông qua quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
Khu kinh tế Vân Phong, khu đô thị Cam Lâm trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc và một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế,…
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng xác định 4 đột phá phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Trong đó có việc tập trung phát triển khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh và đô thị Cam Lâm để tạo động lực phát triển mới.
Tỉnh cũng phát triển toàn diện Khu kinh tế Vân Phong, tập trung vào du lịch biển chất lượng cao và đô thị du lịch biển cao cấp; cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Khánh Hòa cũng sẽ phát triển khu vực Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Về phát triển đô thị, đến năm 2030 Khánh Hòa có 2 đô thị loại 1 gồm thành phố Nha Trang và đô thị Cam Lâm; 1 đô thị loại 2 là thành phố Cam Ranh; 1 đô thị loại 3; 2 đô thị loại 4 và các đô thị loại 5.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch- – logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Riêng về phát triển khu kinh tế, tỉnh Khánh Hòa xác định phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo 2 khu vực.
Trong đó, khu vực Bắc Vân Phong sẽ phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Phát triển du lịch biển cao cấp để khai thác tối đa lợi thế về vị trí, cảnh quan khu vực.
Tại khu vực này cũng sẽ kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững của ngành du lịch.
Tại khu vực Bắc Vân Phong cũng sẽ xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang. Phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần. Định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên du lịch bền vững.
Riêng khu vực Nam Vân Phong sẽ phát triển trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển. Tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, đóng tàu, công nghiệp chế biến,…
Khu vực vịnh Vân Phong là một trong những vùng động lực của tỉnh Khánh Hòa.
3 vùng động lực và 4 hàng lang kinh tế
Cũng theo tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển 3 vùng động lực gồm thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Vân Phong và khu vực vịnh Cam Ranh.
Tại tỉnh cũng sẽ phát triển 4 hành lang kinh tế, trong đó hàng lang kinh tế Bắc Nam là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc Nam quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc Nam, kết nối 3 vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không,…
Thứ hai là hành lang kinh tế Đông Tây trên cơ sở trục giao thông Đông Tây gồm quốc lộ 26, quốc lộ 26B và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Trục hành lang kinh tế này sẽ kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; kết nối khu vực Nha Trang – Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk.
Thứ ba là hành lang Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh trên cơ sở quốc lộ 27C. Hành lang kinh tế này sẽ tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ thành phố Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp.
Cuối cùng là hàng lang Cam Ranh, Cam Lâm – Khánh Sơn trên cơ sở ĐT.656.
Hàng lang kinh tế này sẽ kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là thành phố Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển – đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa, kết nối giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Riêng về phát triển mạng lưới giao thông vận tải, tỉnh Khánh Hòa cũng định hướng xây dựng cảng hàng không bằng vốn đầu tư ngoài ngân sách gắn với phát triển Khu kinh tế Vân Phong. Nghiên cứu xây dựng sân bay cho thủy phi cơ phục vụ du lịch gắn với các cảng khách du lịch tại Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh,…