UBND huyện Di Linh vừa phát đi Tờ trình gửi đến Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh này để đề nghị thẩm định và phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch rất quan trọng, định hướng cho việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Di Linh trong thời gian tới.
Quy hoạch mới sẽ mở ra cơ hội phát triển bức phá cho huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng (ảnh minh họa)
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Di Linh với diện tích tự nhiên là 1.613,16 km2, với quy mô dân số năm 2019 là 160.294 người.
Huyện Di Linh có vị trí, giới cận với phía Đông giáp với huyện Đức Trọng; phía Tây giáp huyện Bảo Lâm; phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Bắc giáp huyện Lâm Hà và tỉnh Đắk Nông.
Huyện Di Linh được xác định là vùng kinh tế động lực là trung tâm của tiểu vùng II của tỉnh Lâm Đồng; vùng bảo tồn rừng cảnh quan, nguồn nước và đa dạng sinh học của vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ.
Đây cũng là đầu mối kết nối phát triển kinh tế – xã hội với các huyện trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước; là vùng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ.
Chưa hết, huyện Di Linh còn là vùng đặc thù về phát triển nông nghiệp chuyên canh.
Quy hoạch dự báo đến năm 2025, dân số toàn huyện khoảng 182.600 người trở lên; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 28,59% trở lên; gồm 2 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại IV (thị trấn Di Linh) và 01 đô thị loại V (đô thị Hòa Ninh).
Đến năm 2035, dân số toàn huyện khoảng 221.000 người trở lên; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45,66% trở lên; gồm 4 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (thị trấn Di Linh), 01 đô thị loại IV (đô thị Hòa Ninh) và 02 đô thị loại V (đô thị Tân Lâm, Gia Hiệp).
Về nhu cầu sử dụng đất, dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2025, khoảng 854 ha trở lên; đến năm 2035, khoảng 1.490 ha trở lên; đến năm 2050, khoảng 2.024 ha trở lên.
Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2025, khoảng 1.630 ha trở lên; đến năm 2035, khoảng 1.501 ha trở lên; đến năm 2050, khoảng 1.791 ha trở lên.
Đất khai thác du lịch, đến năm 2025 khoảng 837,9 ha trở lên; đến năm 2035 khoảng 2.094,8 ha trở lên; đến năm 2050 khoảng 4.189,5 ha trở lên.
Ngoài ra, dự phòng quỹ đất xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn nhằm tạo dư địa phát triển kinh tế – xã hội toàn huyện giai đoạn đến năm 2035 và sau năm 2035 (tận dụng lợi thế kết nối giao thông khi tuyến đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương hình thành) tại các khu vực thuận lợi phát triển thuộc TT- Di Linh và các xã Đinh Trang Hòa, Tân Thượng, Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Gia Hiệp, Tân Châu, Liên Đầm, Tam Bố.
Tiểu vùng 1 có kết nối giao thông thuận tiện với các huyện trong tỉnh Lâm Đồng và các huyện phía Nam tỉnh Đắk Nông thông qua Quốc lộ 20, 28 và cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương (dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương)
3 tiểu vùng phát triển kinh tế
Theo đề xuất tại tờ trình nêu trên, vùng huyện Di Linh sẽ có 3 tiểu vùng phát triển kinh tế.
Trong đó, tiểu vùng 1 là vùng trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, là vùng phát triển kinh tế động lực của huyện.
Tiểu vùng 1 có diện tích khoảng 567,16 km2 gồm thị trấn Di Linh và các xã: Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Tân Châu, Liên Đầm, Gung Ré, Tân Lâm, Tân Thượng, Đinh Trang Thượng. Trong đó TT. Di Linh giữ vai trò là trung tâm tiểu vùng; Tân Lâm là trung tâm phụ.
Tiểu vùng này có kết nối giao thông thuận tiện với các huyện trong tỉnh Lâm Đồng và các huyện phía Nam tỉnh Đắk Nông thông qua Quốc lộ 20, 28 và cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương (dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương); tập trung nhiều công trình dịch vụ thương mại lớn của huyện; có nhiều diện tích đất nông nghiệp và hồ nước lớn có cảnh quan đẹp.
Tiểu vùng 2 là vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, vùng phát triển bảo tồn cảnh quan vùng lâm nghiệp … thương mại – dịch vụ và công nghiệp.
Tiểu vùng này có diện tích khoảng 424 km2, gồm đô thị Hòa Ninh, các xã: Đinh Trang Hòa, Hòa Trung, Hòa Bắc, Hòa Nam, Sơn Điền, một phần xã Gia Bắc (phía tây QL.28), một phần nhỏ xã Liên Đầm và Gung Ré (phía Nam đường tỉnh ĐT. 727). Trong đó Hòa Ninh giữ vai trò là trung tâm tiểu vùng và Gia Bắc là trung tâm phụ.
Tại tiểu vùng này có tuyến Quốc lộ 20 từ tỉnh Bình Thuận đi qua huyện Di Linh kết nối với tỉnh Đắk Nông; diện tích đất nông nghiệp lớn, đất đai màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tiểu vùng 3 là vùng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, vùng phát triển bảo tồn cảnh quan vùng lâm nghiệp … thương mại – dịch vụ.
Tiểu vùng 3 có diện tích khoảng 622 km2, gồm các xã: Tam Bố, Gia Hiệp, Bảo Thuận, một phần xã Gia Bắc (phía Đông QL.28) và một phần nhỏ phía Nam xã Đinh Lạc. Trong đó Gia Hiệp giữ vai trò là trung tâm tiểu vùng và Bảo Thuận là trung tâm phụ.
Vẻ đẹp huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng (ảnh minh họa)
Tiểu vùng này cảnh quan thiên nhiên đẹp, thuận lợi phát triển du lịch tại các khu vực như hồ Kala, núi Brah Yàng, thác 7 tầng, thác Tul; diện tích đất rừng sản xuất lớn là tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản; hạ tầng Cụm công nghiệp Gia Hiệp, Tam Bố đã quy hoạch và triển khai.
Đáng chú ý, trong định hướng quy hoạch điểm dân cư nông thôn, tại huyện Di Linh sẽ có các điểm dân cư nông thôn mới kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng tại các Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tích hợp hồ thủy điện Đồng Nai 2 nằm ven hồ Đồng Nai 2 thuộc các xã Tân Châu, Tân Nghĩa, Đinh Lạc; Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tích hợp hồ thủy điện Đồng Nai 1 nằm ven hồ Đồng Nai 1 thuộc các xã Gia Hiệp, Tam Bố; Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tích hợp hồ Kala và núi Brah Yàng xã Bảo Thuận; các điểm dân cư tại các xã Hòa Ninh, Tân Lâm, Gia Hiệp phục vụ cho việc nâng cấp thành đô thị.
Sẽ có tuyến du lịch quốc tế đi qua huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng
Về định hướng phát triển các vùng du lịch, tại huyện Di Linh sẽ phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái xen cài khu đô thị, làng đô thị nông thôn tại các khu vực: hồ Kala và núi Brah Yàng (xã Bảo Thuận), hồ thủy điện Đồng Nai 2 (thuộc các xã: Tân Châu, Tân Nghĩa, Đinh Lạc), hồ thủy điện Đồng Nai 1 (thuộc các xã Gia Hiệp, Tam Bố), hồ thủy điện Đồng Nai 2 (thuộc xã Tân Thượng), hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đinh Trang Thượng) và các hồ cảnh quan, thủy lợi khác có phong cảnh đẹp; ngoài ra còn có khu du lịch thác 7 tầng (xã Tam Bố).
Đồng thời định hướng phát triển các điểm du lịch: thác Liliang, sông Dariam (xã Gung Ré, Liên Đầm), thác Tul (xã Gia Bắc), thác Liliang (xã Gung Ré), thác Bobla (xã Liên Đầm), hồ Đạ Nớ (xã Đinh Trang Hòa), hồ Đồng Nai 3 (xã Đinh Trang Thượng).
Ngoài ra, còn định hướng các điểm du lịch văn hóa cộng đồng: chuyên đề dâu tằm (tại các xã: Đinh Lạc, Gia Hiệp, Tam Bố), chuyên đề cồng chiêng và du lịch canh nông (tại các xã: Gung Ré, Bảo Thuận, Liên Đầm, Thị trấn Di Linh).
Phát triển thêm Khu vui chơi giải trí, du lịch, thể thao, văn hóa cộng đồng, dịch vụ, thương mại tổng hợp trên vùng đất không thuận lợi phát triển nông nghiệp tại xã Tam Bố.
Trong định hướng phát triển du lịch còn có việc khai thác các tuyến du lịch như, tuyến du lịch liên vùng trong nước: tuyến Gia Nghĩa – Di Linh – Đà Lạt; tuyến Đà Lạt – Di Linh – Phan Thiết – Long Hải – Vũng Tàu; tuyến Đà Lạt – Di Linh – Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu – Long Hải.
Tuyến du lịch nội vùng: tuyến Đà Lạt – Lâm Hà – Di Linh – Bảo Lâm – Đạ Tẻh; tuyến Đà Lạt – Đức Trọng – Di Linh – Bảo Lộc – Đạ Huoai; tuyến Di Linh – Lâm Hà – Đam Rông – Đà Lạt.
Tuyến du lịch quốc tế: Moondulkiri (Campuchia) – Gia Nghĩa (Đắk Nông) theo quốc lộ 28 đến Di Linh (Lâm Đồng) và Phan Thiết (Bình Thuận).