Ngày 23/3/2023, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký ban hành Tờ trình số 22/TTr-UBND về việc đề nghị thông qua Nghị quyết của HĐND thành phố về quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch mới đang mở ra cơ hội phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Lưu Bang
Theo đó, quy hoạch xác định xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế miền Trung, có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong khu vực vả cả nước.
Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột chính
Thứ nhất là trụ cột du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị gia tăng cho trụ cột du lịch.
Trụ cột thứ hai là kinh tế tri thức gắn với 2 mũi nhọn gồm, công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Trụ cột thứ ba là trung tâm dịch vụ chất lượng cao gắn với 2 mũi nhọn gồm cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Đà Nẵng cũng sẽ được phát triển trở thành một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học công nghệ phát triển của cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Đà Nẵng sẽ là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Chưa hết, Đà Nẵng còn là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Về kinh tế, phấn đấu giai đoạn 2021 -2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,5 – 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 200 – 220 triệu đồng/người.
Đà Nẵng cũng phấn đấu đến năm 2030, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1 – 2%; công nghiệp – xây dựng chiếm 29-30%; dịch vụ chiếm 61-62%; thuế sản phẩm chiếm 8-9%.
Cũng theo quy hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 11-12%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 800 nghìn tỷ đồng.
Tại thành phố Đà Nẵng sẽ có 12 phân khu đô thị. Ảnh: Lưu Bang
Các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế và 12 phân khu đô thị
Theo quy hoạch, tại thành phố Đà Nẵng sẽ có 7 khu vực trọng điểm phát triển kinh tế.
Cụ thể, khu vực trung tâm thành phố bao gồm trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu vực trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.
Trung tâm công nghiệp công nghệ cao bao gồm khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn xã Hòa Liên và xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics tập trung tại phía Tây Bắc vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và ga trung tâm logistics đường sắt; khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại huyện Hòa Vang.
Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi, giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê.
Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu tập trung tại phía Đông Nam thành phố với các khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, khu liên hiệp thể thao.
Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được định hướng phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản tại khu vực phía Tây Nam huyện Hòa Vang.
Chưa hết, các cực du lịch sinh thái núi tại Đà Nẵng gồm quần thể du lịch Bà Nà – Suối Mơ, khu vực hồ Đồng Xanh – Đồng Nghệ, khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, khu du lịch Khe Răm, các khu, cụm du lịch phía Tây Nam dọc tuyến quốc lộ 14G, khu du lịch Nam Sông Bắc, khu phức hợp đô thị và du lịch Làng Vân, khu vực sinh thái nghỉ dưỡng phía Đông tại bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa.
Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Lưu Bang
Về định hướng phát triển không gian đô thị, toàn thành phố Đà Nẵng được tổ chức thành 12 phân khu gồm phân khu ven sông Hàn và bờ Đông quy mô 6.644 ha; phân khu ven vịnh Đà Nẵng quy mô 1.530 ha; phân khu cảng biển Liên Chiểu quy mô 1.285 ha; phân khu công nghệ cao quy mô 5.585 ha; phân khu trung tâm lõi xanh quy mô 4.775 ha; phân khu đổi mới sáng tạo quy mô 3.903 ha; phân khu sân bay quy mô 1.327 ha.
Ngoài ra còn có phân khu đô thị sườn đồi quy mô 2.729 ha; phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 2.986 ha; phân khu dự trữ phát triển quy mô 5.858 ha; phân khu sinh thái phía Tây quy mô 57.692 ha; phân khu sinh thái phía Đông gồm huyện Hoàng Sa diện tích 30.500 ha và bán đảo Sơn Trà diện tích 4.232 ha.
12 phân khu đô thị tại thành phố Đà Nẵng được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái.
Trong thời kỳ 2021 – 2025, 6 quận khu vực trung tâm đô thị hiện hữu cơ bản giữ nguyên địa giới hành chính, mật độ dân số, mật độ xây dựng và các chỉ tiêu phát triển đô thị tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt.
Đến năm 2025, huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại 4, tỷ lệ đô thị hóa hơn 85% và đủ điều kiện thành lập thị xã. Trung tâm hành chính của thị xã dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.
Thời kỳ 2026 – 2030, thành phố sẽ bao gồm khu vực đô thị trung tâm (6 quận hiện hữu) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp.
Đến năm 2030, toàn huyện Hòa Vang có dân số 430.000 người, tỷ lệ đô thị hóa trên 90%. Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính hải đảo.