Như Dân trí thông tin, theo danh sách các doanh nghiệp, đơn vị nợ bảo hiểm mà Bảo hiểm xã hội Nghệ An công khai trên Website vào ngày 14/2, có nhiều doanh nghiệp đang nợ khoản đóng bảo hiểm xã hội của một vài người lao động số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Số tiền trên bao gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) và tiền lãi chậm nộp, tính đến hết tháng 1/2023.
Trong bản danh sách, điểm sơ qua cũng có cả chục trường hợp nhân sự có số tiền đóng bảo hiểm xã hội “gây choáng”.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 24, nơi đang nợ hơn 21,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 8 lao động.
Đơn cử, trường hợp Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 423 (có địa chỉ tại TP Vinh), nợ bảo hiểm xã hội hơn 7,5 tỷ đồng trong thời gian 65 tháng của duy nhất một lao động.
Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9 (có địa chỉ tại TP Vinh) đang nợ hơn 4,4 tỷ đồng tiền bảo hiểm, cũng của một lao động trong thời gian 81 tháng.
Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng dầu khí Nghệ An (địa chỉ tại TP Vinh) đang nợ hơn 2,6 tỷ đồng bảo hiểm của một lao động trong thời gian 95 tháng.
Tổng công ty xây lắp dầu khí Nghệ An (địa chỉ tại TP Vinh) nợ hơn 5,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong 62 tháng của 2 lao động, tức mỗi người bị nợ gần 3 tỷ đồng.
Công ty CP đầu tư và xây dựng 24 (địa chỉ TP Vinh) nợ 8 lao động 129 tháng đóng bảo hiểm với số tiền hơn 21,5 tỷ đồng, tức trung bình khoản đóng bảo hiểm xã hội của mỗi người xấp xỉ 2,7 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm tính đến hết tháng 1/2023 lớn nhất tỉnh Nghệ An.
Từ số tiền bị nợ bảo hiểm xã hội lên tới hàng tỷ đồng với mỗi người như vậy, nhiều độc giả của báo Dân trí bày tỏ bất ngờ về mức đóng bảo hiểm, từ đó suy ra mức lương “khủng” của không ít nhân sự như vậy.
Cụ thể, đứng đầu danh sách, số tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của nhân sự đang bị nợ bảo hiểm tại Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 423 là hơn 115 triệu đồng.
Trường hợp nhân sự tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9 là hơn 54 triệu đồng/tháng; tại Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng dầu khí Nghệ An là hơn 27 triệu đồng/người/tháng và tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 24 là gần 21 triệu đồng/người/tháng (tính bình quân).
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định mức đóng BHXH được ban hành năm 2017, mức đóng bảo hiểm xã hội là 22% lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm (trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%), chưa kể phần nhỏ khác đóng vào bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp…
Như vậy, với số tiền đóng bảo hiểm xã hội hơn 115 triệu đồng/tháng thì mức lương tháng của nhân sự bị nợ bảo hiểm tại Công ty cổ phần xây dựng và thương mại 423 có thể lên tới trên 500 triệu đồng.
Tương tự, với trường hợp người lao động được đóng bảo hiểm 54 triệu đồng/tháng, lương của người đó phải ở mức khoảng 250 triệu đồng/tháng; người được đóng bảo hiểm 27 triệu đồng/tháng, lương sẽ trên 120 triệu đồng/tháng và nguồi được đóng bảo hiểm 21 triệu đồng/tháng thì tiền lương hưởng mỗi tháng cũng tròm trèm 100 triệu đồng.
Bản danh sách hé lộ hàng chục người có mức lương “khủng” như vậy tại Nghệ An cũng gây băn khoăn về thời điểm những nhân sự này được đóng bảo hiểm xã hội ở mức rất cao như vậy. Bởi theo quy định hiện hành, mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa không quá 20 tháng lương cơ sở, tức chỉ ở mức 22% của gần 30 triệu đồng.
Nhận định về vấn đề này, một nguồn tin đáng tin cậy của PV báo Dân trí cho rằng, số tiền nợ bảo hiểm của một lao động, chỉ trong khoảng 5,5 năm mà lên tới 7,5 tỷ đồng là “khó có thể xảy ra”. Nếu thực sự có mức đóng bảo hiểm xã hội cao như vậy, mức lương tháng nhân sự này nhận cũng “siêu khủng”, không phù hợp với số liệu tiền lương mà Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An khảo sát hàng năm.
Con số hàng chục người có lương cao ngất ngưởng, như vậy, càng làm cho bản danh sách về các khoản nợ bảo hiểm xã hội được công bố gây chú ý.