Bộ Giao thông Vận tải vừa phát đi Công văn số 3532 /BGTVT-KHĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến về danh mục dự án kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2023 – 2030.
Ảnh minh họa
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút và huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống KCHTGT giai đoạn 2023 – 2030 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2023.
Bộ GTVT cũng đã xây dựng danh mục dự án và thông tin sơ bộ các dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2023 – 2030.
Để chuẩn bị nội dung và công tác tổ chức Hội nghị, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia và phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống KCHTGT giai đoạn 2023 – 2030 nhằm thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các quy hoạch chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải.
Bộ GTVT cũng đề nghị nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, rà soát có ý kiến về danh mục dự án, thông tin dự án trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Đối với các dự án do UBND các tỉnh/thành phố chủ trì thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đề nghị cung cấp thông tin dự án và tình hình xúc tiến, kêu gọi đầu tư đến nay.
Bộ GTVT yêu cầu văn bản tham gia ý kiến gửi về Bộ trước ngày 15/4/2023 để tổng hợp, cập nhật và hoàn thiện.
Theo danh mục dự án các dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2023 – 2030, trên lĩnh vực đường giao thông đường bộ có 27 dự án gồm, Đường cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn quy mô 10.620 tỷ đồng; Đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh quy mô 22.690 tỷ đồng; Đường Vành đai 4 – Hà Nội quy mô 56.536 tỷ đồng; Đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú quy mô 8.365 tỷ đồng; Đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc quy mô 17.200 tỷ đồng; Đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương quy mô 19.521 tỷ đồng; Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (đoạn Nam Định – Thái Bình) quy mô 18.823 tỷ đồng; Đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo quy mô 7.938 tỷ đồng; Đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành quy mô 29.878 tỷ đồng; Đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh quy mô 107.057 tỷ đồng; Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài quy mô 16.729 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Chơn Thành quy mô 17.300 tỷ đồng; Đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát quy mô 6.226 tỷ đồng; Đường cao tốc Phú Thọ – Ba Vì (Hà Nội) – Chợ Bến (Hòa Bình) quy mô 28.241 tỷ đồng; Đường Vành đai 5 – Hà Nội quy mô 57.120 tỷ đồng; Đường cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long quy mô 18.314 tỷ đồng; Đường cao tốc Vinh – Thanh Thủy quy mô 21.337 tỷ đông.
Đường cao tốc Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y (Kon Tum) quy mô 43.986 tỷ đồng; Đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku quy mô 54.000 tỷ đồng; Đường cao tốc Ngọc Hồi – Pleiku quy mô 18.900 tỷ đồng; Đường cao tốc Pleiku – Buôn Ma Thuật quy mô 33.600 tỷ đồng; Đường cao tốc Buôn Ma Thuật – Gia Nghĩa quy mô 22.050 tỷ đồng.
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng quy mô 23.479 tỷ đồng; Đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá quy mô 25.643 tỷ đồng; Đường cao tốc Rạch Giá – Bạc Liêu quy mô 19.453 tỷ đồng; Đường cao tốc Đức Hòa – Thạnh Hóa – Tân Thạch – Mỹ An quy mô 19.610 tỷ đồng; Xây dựng Trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (24 trạm) quy mô 1.955 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực đường sắt xây dựng mới có 9 dự án gồm, Đường sắt vành đai phía Đông TP. Hà Nội quy mô 29.500 tỷ đồng; Đường sắt TPHCM – Cần Thơ quy mô 213.948 tỷ đồng; Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành quy mô 62.968 tỷ đồng; Đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu quy mô 120.149 tỷ đồng; Đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ quy mô 38.000 tỷ đồng; Đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh (đoạn Bàu Bàng – Dĩ An) quy mô 40.000 tỷ đồng.
Và dự án Đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng quy mô 72.000 tỷ đồng; Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng quy mô 158.842 tỷ đồng; Đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt quy mô 28.000 tỷ đồng.
Kêu gọi đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam quy mô 15.968 tỷ đồng. Ảnh: Lưu Bang
Kêu gọi đầu tư loạt dự án Cảng hàng không quy mô lớn
Theo danh mục dự án các dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2023 – 2030, trên lĩnh vực hàng không có 18 dự án gồm, Cảng hàng không Cà Mau quy mô 3.117 tỷ đồng; Cảng hàng không Rạch Giá quy mô 4.454 tỷ đồng; Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (các công trình dịch vụ: hangar, cung cấp xăng dầu, suất ăn,…); Cảng hàng không Côn Đảo.
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột quy mô 3.814 tỷ đồng; Cảng hàng không Pleiku quy mô 4.583 tỷ đồng; Cảng hàng không quốc tế Liên Khương quy mô 4.591 tỷ đồng; Cảng hàng không Tuy Hòa; Cảng hàng không Phù Cát quy mô 2.864 tỷ đồng.
Và Cảng hàng không quốc tế Chu Lai quy mô 15.968 tỷ đồng; Cảng hàng không Quảng Trị quy mô 3.885 tỷ đồng; Cảng hàng không Đồng Hới quy mô 2.804 tỷ đồng; Cảng hàng không Vinh; Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân quy mô 8.887 tỷ đồng; Cảng hàng không Lai Châu quy mô 4.350 tỷ đồng; Cảng hàng không Nà Sản quy mô 5.688 tỷ đồng; Cảng hàng không Sa Pa quy mô 4.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong danh mục dự án các dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2023 – 2030 còn có loạt dự án quy mô lớn thuộc lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, cải tạo và nâng cấp đường sắt hiện có.