Hơn 2.250 doanh nghiệp, hợp tác xã chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng hơn 40.000 lao động, theo Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 31/12/2022, số tiền nợ bảo hiểm của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn gần 315 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp chậm đóng như Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort có 862 lao động, chậm đóng gần 19 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động, chậm đóng hơn 15 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 4 có 63 lao động, chậm đóng hơn 9 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, trong số 4.000 đơn vị hành chính sự nghiệp ở Thanh Hóa có 17 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với hơn 4,6 tỷ đồng. Đơn cử Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa chậm đóng 25 tháng với 2,65 tỷ đồng, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) chậm đóng 12 tháng với 317 triệu đồng; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn chậm đóng 19 tháng, tương đương 498 triệu đồng.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn 520 doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc dừng hoạt động còn nợ tiền bảo hiểm trên 121 tỷ đồng. Bị nợ bảo hiểm, người lao động sẽ không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) để đi tìm việc mới và cộng dồn số năm đóng; không được giải quyết chế độ hưu trí khi đến tuổi về hưu; khi thất nghiệp, đi khám chữa bệnh không được hỗ trợ.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám thông tin về tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày 14/4. Ảnh: Lê Hoàng
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân chậm đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm là do ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng còn hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để trường hợp vi phạm. Việc xử lý trách nhiệm hình sự (nếu có) đối với các hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền của ngành bảo hiểm xã hội mà là trách nhiệm của ngành công an, tuy nhiên hành lang pháp lý còn bất cập.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu các cơ quan, đơn vị sớm khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị hành chính sự nghiệp để xảy ra tình trạng này; đưa đóng đúng, đóng đủ, kịp thời bảo hiểm vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị hàng năm. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng thì không xét các danh hiệu thi đua, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Không chỉ Thanh Hóa, thống kê hết năm 2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết giai đoạn 2018-2022 cơ quan này đã kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý. 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Doanh nghiệp tránh làm việc với cán bộ bảo hiểm xã hội nhưng khi công an tới thì mang tiền nộp ngay, phân bua “chưa kịp đóng chứ không phải cố tình trốn”. Vì thế cơ quan bảo hiểm đề nghị cần sửa đổi một số quy định để tạo đồng bộ giữa pháp luật hành chính và hình sự.
Lê Hoàng